Ngành công nghiệp đánh bắt cá và công nghiệp đồ hộp trên biển Aral trước đây - nằm ở biên giới Kazakhstan và Uzbekistan - vô cùng phát triển. Thị trấn Moynaq từng là một địa điểm thu hút hàng loạt tàu cá khổng lồ.
Tuy nhiên, bước ngoặt xảy ra khi Liên Xô quyết định chuyển hướng những con sông chảy vào biển Aral để lấy nước tưới tiêu những cánh đồng bông ở Uzbekistan. Nước biển cạn dần do thiếu nước và bốc hơi vào những năm 1960. Mực nước giảm dần, nước biển Aral trở nên mặn hơn. Các sinh vật biển chết dần do nồng độ phân bón, thuốc trừ sâu tăng.
Những chiếc tàu cá kẹt lại thành dãy dài hàng chục km trên sa mạc Aralkum. Ảnh: BBC
Năm 2015, cựu ngư dân Khojabay trả lời phỏng vấn đài BBC, nói về những ngày huy hoàng của thị trấn Moynaq.
“Có nhiều ngư dân, đầu bếp, thuỷ thủ và kỹ sư. Nhưng rồi những con tàu lớn không thể đến bến cảng khi nước biển cạn dần. Lần lượt, chúng bị mắc kệt trong bùn, và bùn biến thành cát như bạn thấy bây giờ” – ông Khojabay chia sẻ.
Những thị trấn như Moynaq và Aralsk, những nơi từng có lượng tàu đánh bắt cá chiếm 1/6 Liên Xô, chịu thiệt hại nặng nề nhất. Tỉ lệ thất nghiệp tăng và nhiều người phải ra đi.
Khó tin được sa mạc này từng là biển nội địa lớn thứ tư thế giới. Ảnh: BBC
Ảnh: BBC
Ông Khojabay kể những tàu đánh cá với sức chứa 40 người hiện tại nằm gỉ sét trên vùng đất bỏ hoang từng là cảng Moynaq tấp nập. Các thị trấn bên biển đông đúc từng là nơi có ngành công nghiệp đóng hộp phát triển giờ đây chỉ còn lại các căn nhà hoang, vô chủ. Nhiều người dân còn bị cho là suy giảm sức khỏe do nhiễm cát độc.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, rất có thể thảm hoạ sinh thái biển Aral sẽ được chính con người khắc phục. Việc cho phép nước các con sông chảy ngược vào biển Bắc Aral ở Kazakhstan đã làm giảm độ mặn nước biển và cá cũng đã quay lại.
Các thị trấn ven biển đông đúc giờ đây chỉ còn lại các căn nhà hoang, vô chủ. Ảnh: BBC
Thời gian cùng với nỗ lực không ngừng nghỉ sẽ trả lại thời huy hoàng cho biển Aral? Ảnh: BBC