Trao đổi về nội dung này, thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh tòa Hình sự, TAND TP Hà Nội, thành viên Hội đồng xét xử Hà Văn Thắm và các đồng phạm, khẳng định, việc sửa đổi luật này sẽ góp phần ngăn chặn sai phạm trong hoạt động ngân hàng.
Ông Trương Việt Toàn cho biết: Những sai phạm trong hoạt động ngân hàng không phải mới phát sinh mà đã diễn biến trong thời gian dài. Không phải đơn lẻ một vài ngân hàng mà sai phạm đã bộc lộ trong cả hệ thống. Bên cạnh sai phạm xảy ra tại ngân hàng thương mại cổ phần mới thành lập, cũng có những ngân hàng giàu kinh nghiệm thương trường. Nguyên nhân do các quy định về chế định cho vay còn lỏng lẻo, nhiều sơ hở. Người phạm tội thì ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Theo thẩm phán Trương Việt Toàn, mua lại ngân hàng 0 đồng sẽ là gánh nặng cho ngân sách. Ảnh minh họa: Như Ý.
Sự liên thông giữa các cơ quan nhà nước kém
Ông có thể nói cụ thể về một số quy định đang bộc lộ nhiều sơ hở nhất hiện nay?
Tôi chứng kiến nhiều trường hợp ngân hàng mất tiền khi cho phép thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Tài sản hình thành trong tương lai nhưng người vay đã được nhận tiền mặt ngay khi ký hợp đồng tín dụng. Đây là quy định rất rủi ro vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Ví dụ Agribank giải ngân cho vay hàng triệu đô la để trồng rừng và tài sản thế chấp lại là chính những cây trồng đó! Trên thực tiễn không biết những cây trồng đó liệu có sống được không, liệu có gặp gió bão, động đất, sâu bệnh không? Tức là đối mặt với cực kỳ nhiều rủi ro khó lường hết.
Bên cạnh đó thế chấp bằng hàng hóa cũng hết sức rủi ro. Một mặt hàng có hàng chục loại khác nhau, khi mua hàng lẽ ra phải mua hàng loại 10 đồng thì tội phạm lại chỉ mua loại hàng 8 đồng. Số lượng hàng chưa chắc đã đúng với hợp đồng tín dụng, về kho bãi lại có sự gian dối. Về nguyên tắc khi bán hàng thì phải trả lại tiền cho ngân hàng nhưng thực tế, người ta lại dùng thủ đoạn bán vòng vo… khiến ngân hàng không thể kiểm soát được.
Nguyên nhân tiếp theo đó là yếu tố con người. Do thiếu kiểm soát, đào tạo, giáo dục nên nhiều cán bộ ngân hàng đã rất dễ bị tha hóa. Nhiều hợp đồng cán bộ ngân hàng sẵn sàng đánh giá sai về giá trị tài sản thế chấp, kê khai về rủi ro không đúng thực tế.
Nợ xấu của ngân hàng vì vậy cũng ngày càng lớn. Vấn đề nữa tôi cần nói đó là thủ tục vay vốn. Nhìn vào hình thức rất chặt chẽ, rất nhiều con dấu, chữ ký. Thủ tục đó liên quan đến rất nhiều cơ quan hữu quan nhưng lại không có sự liên thông với nhau nên có tình trạng đã “qua mặt” được khâu này thì sẽ “qua mặt” được các khâu khác!
Tôi đã thụ lý một vụ án mà đến nỗi một doanh nhân người Anh còn phải kinh sợ những thủ đoạn của tội phạm. Hồ sơ xin vay cực chuẩn, báo cáo tài chính hàng năm đều có lãi hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ và đã được đóng dấu kiểm toán.
Nhưng có ai ngờ là doanh nghiệp này đã thuê một công ty kiểm toán với mục đích để lấy được chữ ký và con dấu của kiểm toán và sau đó scan lại con dấu và chữ ký này để in vào báo cáo kiểm toán...
Vụ việc cho thấy sự liên thông giữa các cơ quan nhà nước với nhau rất kém. Đáng ra lúc đó ngân hàng hợp tác được với cơ quan thuế để xác minh về hồ sơ xin vay này sẽ tránh được rủi ro rất lớn, ngăn chặn được hành vi phạm tội.
Trong nhiều trường hợp, cơ quan thuế đã lấy lý do “bảo mật thông tin” để từ chối hợp tác. Chúng ta phải vì lợi ích lớn hơn của cộng đồng, phải cùng nhau xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh chứ không thể vì lợi ích cục bộ, cá nhân nào. Doanh nghiệp có thể làm giả hồ sơ, con dấu nhưng không thể làm giả số liệu tại cơ quan thuế vì còn liên quan đến hoá đơn, đến giao dịch...
Trương Việt Toàn.
Nên bỏ quy định mua lại ngân hàng 0 đồng
Kết thúc phiên xét xử vụ án Ocean bank, Hội đồng xét xử đã kiến nghị Ngân hàng nhà nước xem lại quy định mua lại ngân hàng 0 đồng. Ông có thể nói rõ hơn về kiến nghị này?
Khi đánh giá về việc này thì chúng ta phải đặt trong chỉ đạo chung của Đảng, Chính phủ. Nhà nước không “ôm” quá nhiều các lĩnh vực kinh tế mà phải theo quy luật thị trường. Nhà nước chỉ nắm những lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng, những lĩnh vực đặc biệt.
Chúng ta đã quan tâm phát triển kinh tế tư nhân là hoàn toàn phù hợp, nhất là khi đang hội nhập càng sâu với thế giới. Hệ thống ngân hàng mà nhà nước nắm cổ phần chi phối, thậm chí là sở hữu 100% hiện nay đã đủ sức mạnh để “điều tiết” thị trường.
Trong khi đó, theo Điều 149 khoản 2 Luật Các tổ chức tín dụng quy định về mua lại ngân hàng, đó là việc đi ngược lại chủ trương chung. Chúng ta đang thúc đẩy cổ phần hoá mà lại đi “ôm” vào các ngân hàng 0 đồng này thì thực sự là một gánh nặng quá lớn cho ngân sách.
Ba ngân hàng phải mua lại 0 đồng gồm Ngân hàng Xây dựng, Dầu khí toàn cầu và Ocean bank đang là gánh nặng khi nhà nước phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để cơ cấu lại, đảm bảo thanh khoản, hoạt động… liệu có thực sự cần thiết và phù hợp?
Vậy theo ông, trong việc sửa đổi luật lần này, làm gì để bịt các lỗ hổng pháp lý nêu trên?
Tôi kiến nghị phải bỏ hẳn quy định mua lại ngân hàng 0 đồng, cần đi sâu quy định việc giải thể, phá sản, sáp nhập các ngân hàng và tổ chức tín dụng.
Kiến nghị thứ hai, tôi cho rằng ngân hàng là lĩnh vực hoạt động có điều kiện, tiền tệ là lĩnh vực hàng hoá đặc biệt. Do vậy không thể cứ có tiền thì được làm ngân hàng, được điều hành, quản lý ngân hàng.
Nhân sự quản lý của ngân hàng cần phải có những điều kiện cụ thể về bằng cấp, kinh nghiệm công tác, đạo đức nghề nghiệp. Không thể có chuyện người lãnh đạo ngân hàng mà lại không có nghiệp vụ ngân hàng được. Đây là những kẽ hở cần được rà soát và khắc phục ngay trong luật sửa đổi lần này.
Cảm ơn ông.
"Tôi cho rằng ngân hàng là lĩnh vực hoạt động có điều kiện, tiền tệ là lĩnh vực hàng hóa đặc biệt. Do vậy không thể cứ có tiền thì được làm ngân hàng, được điều hành, quản lý ngân hàng. Nhân sự quản lý của ngân hàng cần phải có những điều kiện cụ thể về bằng cấp, kinh nghiệm công tác, đạo đức nghề nghiệp".
Thẩm phán Trương Việt Toàn
Một trong những nội dung đáng chú ý của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV là sẽ thảo luận và thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.