Việt Nam hiện có khoảng 25 triệu người dùng Facebook, chủ yếu là đối tượng trẻ gồm học sinh sinh viên và giới nhân viên văn phòng - nhóm đối tượng có nhu cầu mua sắm cao. Nhờ sự tiện lợi, các loại hình dịch vụ, kinh doanh online trên Facebook ngày càng nở rộ. Người mua chỉ cần xem thông tin giới thiệu sản phẩm rồi comment (bình luận) xác nhận qua Facebook hoặc fanpage của người bán là một giao dịch được hoàn thành.
Tuy nhiên, việc trao đổi thông tin giữa kẻ mua - người bán quá giản đơn, lại ở nơi công cộng ai cũng có thể đọc được khiến nhiều đối tượng xấu, người bán hàng không chân chính lợi dụng để cướp khách hòng thu lợi bất chính.
Cướp cả khách ruột
Chị Trần Thúy Vân - chuyên bán các loại hoa quả trên Facebook, cho biết, thay vì bị các chủ hàng khác nhảy vào comment nói xấu để hạ uy tín, gần đây chị còn bị cướp khách, thậm chí cả khách ruột luôn.
Chị Vân chia sẻ, chiêu mà các chủ hàng xấu tính sử dụng là vào Facebook của nhau rồi thấy ai like, ai comment thì add nick người đó để tag bán hàng đã là chuyện cũ. Giờ họ còn inbox, chèo kéo khách, đưa ra giá thấp hơn để bán hàng. Song, tệ hơn cả là thấy khách nào comment mua hàng với đủ thông tin địa chỉ, số điện thoại thì họ sẽ cướp tay trên, đi giao hàng cho khách trước luôn.
Chị Vân dẫn chứng, hôm vừa rồi có một khách ruột ăn xoài nhà chị có gọi điện phàn nàn rằng, sao xoài hôm nay qúa bé, bổ ra bị hỏng nhiều thế. Chị Vân trả lời khách rằng để chị kiểm tra lại xem sao. Gọi điện về cửa hàng, chị mới tá hỏa hàng giao cho khách vẫn còn nguyên ở quầy, chưa hề chuyển. Trong khi, khách ruột nhà chị đã nhận được một túi xoài với số lượng đúng như yêu cầu.
“Mới đầu mình cũng không tin, nhưng chính tai mình nghe khách phản ánh lại thì mới ngã ngửa”, chị Vân nói.
Tương tự, trên Facebook của mình, chị Minh Nguyệt Trần mới đây cũng bực tức kể rằng, chị lại bị cướp khách. Chị viết: “Lâu rồi nhà em không thấy khách phản hồi về việc khách đặt hàng nhà em nhưng bị nhà khác giao hàng. Những khách quen thì đã cẩn thận inbox riêng thông tin số điện thoại và địa chỉ. Nhưng hôm nay, mẹ cháu đang ngồi ở công ty thì em khách hàng tối qua đặt bơ gọi điện bảo sao chị giao bơ cho nhà em bé tý thế, trong khi hẹn sẽ giao bơ to. Em mới giật mình gọi về cửa hàng thì hàng của khách vẫn chưa ai đi giao cả”.
“Lạ một điều là khách nhắn tin riêng nhưng sao người ship hàng lại có số điện thoại em ý để gọi hỏi địa chỉ”, chị Minh Nguyệt Trần thắc mắc.
Thực tế, tình trạng cướp khách của nhau trên Facebook đang khá phổ biến. Mới đây, một clip được lan truyền chóng mặt do hàng ngàn người chia sẻ, ghi lại cảnh đôi nam nữa đánh dằn mặt một cô gái chỉ vì cô này “cướp khách” từ việc nẫng tay trên thông tin khách hàng.
Để tránh tình trạng bị cướp khách, các shop khuyến cáo người mua không nên comment số điện thoại và địa chỉ mà nhắn tin trực tiếp để đặt hàng
Shop online rút vào “bí mật”
Chị Nguyễn Hà Vy bán hàng online trên Facebook cho hay, sau nhiều lần bị cướp khách, kể cả khách ruột, giờ mọi hoạt động buôn bán của shop đều rút vào “bí mật”.
Trước kia, mỗi khi đăng ảnh giao bán hàng, chị thường đăng luôn cả giá cả. Khách đặt hàng thì để lại số điện thoại và địa chỉ nhận hàng dưới mỗi comment. Nhưng nay, tất cả đều được trao đổi qua tin nhắn chứ không công khai nữa.
Để đảm bảo hơn, chị Hà Vy còn in một loạt tem dán lên mỗi sản phẩm, tránh trường hợp bị nhà khác làm giả và cũng để khách nhận diện được hàng của shop chị.
Chung ý tưởng, chị Minh Nguyệt Trần cũng thông báo cho khách rằng nhà chị giao hàng luôn có hóa đơn đi kèm. Khách nhận hàng không thấy có hóa đơn thì tuyệt đối không nhận và gọi lại ngay cho cửa hàng. Ngoài ra, khách không công khai thông tin trên topic khi đặt hàng mà chỉ nhắn tin qua Facebook hoặc qua điện thoại nhằm hạn chế tối đa rủi ro.
Chị Lê Thị Thu Huyền nói rằng gần đây cũng phải bí mật các thông tin. Tất cả trao đổi giữa khách và cửa hàng đều qua chát chít hoặc tin nhắn, gọi điện.