Thông tin này được đưa ra tại Chương trình "1000 doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến tiên phong" phát động chiều 5/10.
Ông Trần Xuân Thủy – Giám đốc thị trường Việt Nam của Alibaba – cho biết thương mại điện tử, trong đó có xuất khẩu trực tuyến, là một kênh kinh doanh tất yếu vì tính hiệu quả, dễ dàng tìm người mua hàng và người bán hàng.
"Trung Nguyên, Kangaroo đều là những công ty có tiềm lực tài chính, và là khách hàng lâu năm của chúng tôi. Trung Nguyên là khách hàng đến 4-5 năm. Nguồn thị trường mới mà họ có được từ thương mại điện tử đã tăng lên đáng kể, thay vì đội sales phải đi thị trường này, thị trường kia để tìm kiếm người mua mới", ông Thủy cho biết.
Trong việc phát thị trường mới, tìm kiếm người mua mới, doanh nghiệp lớn có lợi thế rất lớn. Họ có đủ ngân sách để mở văn phòng đại diện, tham gia hội chợ triển lãm, tham quan hoặc đến những thị trường tiềm năng mở thương vụ.
Ảnh minh hoạ
Ngược lại, doanh nghiệp nhỏ rất khó khăn trong việc này. Đấy cũng chính là điều mà Alibaba và tỷ phú Jack Ma nhận thấy khi phát triển nền tảng kinh doanh trực tuyến B2B.
"Thương mại điện tử sẽ giải quyết được tất cả vấn đề như vậy cho một doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mục tiêu chính của chúng tôi là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể cạnh tranh một cách bình đẳng nhất với cách doanh nghiệp lớn".
"Với việc sử dụng thương mại điện tử, các doanh nghiệp không cần phải bỏ nhiều tiền bạc tham gia các hội chợ triển lãm, chỉ cần online trên máy tính; cũng không sợ chênh lệch thời gian hay không gian mà nhìn được ngay trên màn hình máy tính hay smartphone. Thương mại điện tử không có hạn chế về doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ. Đó là sự bình đẳng", đại diện của Alibaba tại Việt Nam cho biết.
Tại Việt Nam, tính đến hết tháng 9 năm 2017, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 154 tỷ USD, tăng mạnh 19,8% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, theo ước tính mới chỉ có 1% doanh nghiệp xuất khẩu biết khai thác các nền tảng kinh doanh trực tuyến toàn cầu (global platform) để tạo ra đơn hàng xuất khẩu.
99% doanh nghiệp xuất khẩu còn lại vẫn dựa vào các kênh xuất khẩu truyền thống hoặc khai thác các kênh kinh doanh trực tuyến ở mức độ rất cơ bản như website, email…
Cũng trong sự kiện này, Tập đoàn Alibaba đã công bố chọn Novaon – một doanh nghiệp Internet của Việt Nam – làm đại lý ủy quyền chính thức tại thị trường Việt Nam. Như vậy, Novaon là doanh nghiệp thứ 3 được chọn làm đại lý ủy quyền của Alibaba tại Việt Nam, sau OSB (2009) và CleverAds của ông Nguyễn Khánh Trình (2015).
Hiện nền tảng kinh doanh trực tuyến toàn cầu, ngoài Alibaba, còn có Google, Facebook, ePay, Amazon…
Có 6% doanh nghiệp Việt bị xóa tài khoản Alibaba vì không đáp ứng nhu cầu, gồm lừa đảo và vi phạm bản quyền
Ông Trần Xuân Thủy cũng cho biết, chất lượng sản phẩm là điều khách hàng lo lắng nhất khi mua bán trên kênh thương mại điện tử. Và với một doanh nghiệp như Alibaba, điều họ quan tâm nhất là niềm tin của khách hàng. Họ sử dụng Alibaba như thế nào, và khách hàng có nhận được sản phẩm đúng theo nhu cầu của họ hay không.
Về cơ bản, Alibaba không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh giữa người mua và người bán. Nhưng tất cả hoạt động nào xảy ra giữa người mua và người bán Alibaba đều giám sát. Khi người mua có phản hồi không tốt về sản phẩm, nhiệm vụ đầu tiên của Alibaba là khóa tài khoản người bán ngay, đồng thời yêu cầu người bán thủ tục, chứng minh đã xử lý và giải quyết với người mua hàng. Khi ấy, tài khoản của người bán mới được mở lại.
"Bản thân tại thị trường Việt Nam, chúng tôi đóng 5-6% tài khoản doanh nghiệp không đáp ứng được nhu cầu. Có doanh nghiệp chủ đích lợi dụng để lừa đảo, cũng có doanh nghiệp do nhận thức chưa đầy đủ nên vi phạm một chút về bản quyền, chúng tôi bắt buộc phải đóng tài khoản".
"Thị trường hiện nay là thị trường mở, không như xưa, cứ ký kết được với khách hàng là họ cứ thế theo mình. Giờ khách hàng hôm nay có thể là khách hàng mình, mai đã là khách hàng của người khác. Việc tìm khách hàng mới, mở thị trường mới là phải làm liên tục", ông Thủy nói.