Trưa nắng chang chang ngày 14-4, một ngày chủ nhật trùng với lễ Giỗ tổ Hùng Vương nên tôi quyết định "tự thưởng" cho mình một buổi trưa ngon giấc bằng cách để chuông điện thoại ở chế độ rung. Tôi chưa bao giờ tắt máy trong giờ làm việc vì nghề báo luôn bắt chúng tôi phải trong tư thế "trực chiến", chờ những tin tức nóng hổi từ bạn bè, người thân… 12 giờ 30 trưa mà điện thoại tôi rung liên tục, nóng còn hơn con nắng gay gắt bên ngoài. Tôi nhìn vào điện thoại và nhận ra số máy điện thoại bàn quen thuộc từ cơ sở bánh mì Như Lan. Từ nhiều năm nay, những cuộc gọi từ bà chủ Như Lan, bà Nguyễn Thị Dậu, đến tôi đều cùng một nội dung tương tự: bà muốn nhờ tôi chuyển tiền từ thiện cho những hoàn cảnh bất hạnh đăng trên các báo. Hôm nay cũng thế, bà nói một hơi: Chị vừa đọc xong bài "Lận đận đời chị Niết" trên báo Người Lao Động. Không phải đọc một lần đâu mà tới năm, bảy lần. Trời ơi, sao lại có những hoàn cảnh đáng thương, bi đát như vậy. Năm đoàn làm phim đến quay trong mấy năm vẫn không có ai giúp đỡ chị Niết vậy? Em giúp chị tìm hiểu thật kỹ về hoàn cảnh gia đình người phụ nữ này. Chị muốn giúp đỡ họ. Nếu chị Niết chưa có điều kiện lên Sài Gòn mổ chân thì chị sẽ gửi vào mổ miễn phí ở bệnh viện của cháu chị bên quận 7. Ngoài ra, chị muốn tặng tiền để xây lại căn nhà của chị Niết cho đàng hoàng, đồng thời giúp một số vốn để gia đình, con cái chị Niết mở một tiệm tạp hóa, buôn bán đắp đổi qua ngày. Chị muốn giúp chị Niết có một cái "cần câu" để tự kiếm sống chứ không phải chỉ cho một "con cá".
Vui lây với chị, tôi nhanh chóng liên lạc với nữ văn sĩ Trầm Hương. Sự nổi tiếng của chị Trầm Hương đã giúp tôi không quá khó để tìm ra nhà văn này. Nhận thông tin từ tôi, chị Trầm Hương vui mừng khôn xiết. Nghe tôi hỏi về hoàn cảnh chị Niết, nữ văn sĩ buông một mạch: Quả là một mảnh đời quá bất hạnh khi cái đói nghèo, sự nhọc nhằn, khổ đau cứ bám riết lấy gia đình người phụ nữ này. Không chỉ mình chị Niết khổ mà cả mấy đứa con, mỗi đứa cũng một hoàn cảnh bi đát như mẹ của chúng. Đó là lý do tại sao tôi cứ phải viết hoài về hoàn cảnh người phụ nữ này cho đến khi chị tìm được một mạnh thường quân thật sự muốn dang tay cứu giúp chị ấy. Xã hội bây giờ có biết bao nhiêu người giàu có, dư dả, sống thừa mứa, phung phí mà một hoàn cảnh bi đát như thế này lại không tìm được một trái tim nhân hậu xứng đáng?
Qua kết nối của báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Dậu đã quyết định đến tận tòa soạn báo trao tặng số tiền 100 triệu đồng cho gia đình chị Niết. Trong buổi trao đổi chân tình với các thành viên ban Truyền thông ở tòa soạn báo, bà Dậu chất phác thưa thật: Tôi bán một ổ bánh mì chỉ lời có 1.000 đồng nhưng tôi cứ tằn tiện chắt bóp từng đồng đem tặng những mảnh đời bất hạnh trong xã hội. Lúc đầu tôi định đi xây nhà tình thương, tình nghĩa nhưng nghĩ lại nếu xây nhà thì chỉ có một gia đình được thụ hưởng nên tôi quyết định dành tiền đi xây cầu để nhiều người, đặc biệt là trẻ em thoát khỏi cảnh đuối nước thương tâm. Đến nay tôi đã xây trên 40 cây cầu ở khắp mọi vùng đất nước.
Chuyện về tấm lòng từ thiện của bà Dậu cũng làm cho nữ văn sĩ Trầm Hương không khỏi thôi thúc "làm phim". Nhưng tôi chắc ý định của nhà văn sẽ khó thành hiện thực vì bà Dậu không bao giờ muốn nói về mình. Cơ sở bánh mì Như Lan của bà ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ, bắt đầu từ xe đẩy bán bánh mì trên đường phố Sài Gòn xưa. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của giai đoạn khởi nghiệp đầy khó khăn, bà đã tích cóp dành dụm từng đồng tiền kiếm được từ mồ hôi nước mắt và sự lao lực của mình để xây dựng thương hiệu Như Lan nổi tiếng như ngày hôm nay. Dù đã gần 75 tuổi, mái tóc đã bạc trắng phau, sức khỏe cũng đã mòn mỏi cùng công việc, nhưng bản thân bà vẫn hằng ngày thức khuya dậy sớm để chăm lo từng món ăn phục vụ khách hàng. Bao nhiêu năm qua, dù đã có cơ nghiệp nhưng bà vẫn luôn giữ nếp sống giản dị, bình dân để gần gũi với những người lao động đang làm việc cùng mình. Thật ngạc nhiên đến ngỡ ngàng khi đến giờ này bà vẫn chưa từng xài điện thoại di động, máy tính, hay sử dụng các loại thiết bị thông minh… mà chỉ dùng đôi bàn tay và trí óc mà Thượng đế đã ban cho để sống và làm việc.
Trải qua bao nhiêu năm vất vả gây dựng và giữ gìn thương hiệu, cho đến nay cơ sở Như Lan vẫn được người tiêu dùng tín nhiệm thông qua việc họ vẫn lựa chọn sản phẩm của bà cho nhu cầu ăn uống hằng ngày. Không chỉ khách Việt Nam mà cả những người nước ngoài cũng tìm đến với cơ sở Như Lan để trải nghiệm văn hóa ẩm thực Việt.
Xã hội ngày càng mở cửa, những thương hiệu ngoại, thức ăn nhanh… ngày càng lấn sân thị trường Việt Nam. Như Lan vẫn cứ là một doanh nghiệp đang cố gắng từng ngày từng giờ gìn giữ tên tuổi, uy tín của mình cho xứng đáng với danh hiệu "hàng Việt Nam chất lượng cao". Đôi lúc bà cũng trăn trở trước những thông tin không chính xác, thậm chí bôi nhọ danh dự bà từ mạng xã hội. Bà tâm sự: Như Lan chỉ là một cơ sở thực phẩm nhỏ, không thế lực, không có mối quan hệ quen biết lớn như những doanh nghiệp khác; chỉ biết lấy công làm lời, chắt chiu từng chục, từng trăm ngàn nên không thể vung tiền qua cửa sổ cho những thú vui tai hại như cờ bạc, đánh đề… Tôi chỉ biết cống hiến cả đời cho những sản phẩm thực phẩm của mình, đem niềm hạnh phúc đến cho khách hàng qua những món ăn ngon, đầy dinh dưỡng.
Là người phụ nữ đơn thân, không chồng cũng chẳng có con nên lợi nhuận của Như Lan gần như đều được bà Dậu gửi vào các hoạt động xã hội từ thiện.
Không chỉ chị Trầm Hương - tác giả bài "Lận đận đời chị Niết" mà ngay cả tôi cũng rất thấm thía câu nói của mẹ Teresa: không phải tất cả chúng ta đều có thể làm được những điều vĩ đại nhưng chúng ta có thể làm được những điều nhỏ nhặt bằng trái tim vĩ đại! Bao lần nhận tiền từ bà Dậu để chuyển cho các hoàn cảnh khó khăn, tôi cảm nhận được hơi ấm từ trái tim vĩ đại của bà đang lan tỏa trong xã hội như một thứ hương thầm mà da diết, tự nhiên mà vẫn hữu xạ!