Theo báo cáo của Sở Công Thương TP HCM, sản xuất công nghiệp của TP HCM đã thoát đáy suy thoái, tăng trở lại trong năm 2022 cho thấy xu hướng phục hồi ngày càng trở nên rõ nét hơn của kinh tế Thành phố.
Đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn đã ổn định, các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động sản xuất chuyển biến tích cực, đẩy mạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu.
Sản xuất công nghiệp TP HCM phục hồi tích cực sau COVID-19
"Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giảm dần tỉ trọng các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỉ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao" – báo cáo nêu.
Trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu, nhóm ngành hóa dược - cao su - nhựa, chỉ số IIP năm 2022 ước tăng 26,5%. Sản lượng công nghiệp ngành hóa dược tăng khá do nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân sau dịch và chăm sóc xã hội tăng lên.
Bên cạnh đó, ngành sản xuất và chế biến nhựa có triển vọng thuận lợi hơn từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với những cơ hội mở ra cho cả xuất khẩu, nhập khẩu và thu hút đầu tư. Nhờ đó, các sản phẩm nhựa của Việt Nam đang có mặt tại gần 160 thị trường trên thế giới, theo thống kê, trong xuất khẩu ngành hóa dược - cao su - nhựa trong 10 tháng năm 2022 ước đạt 463,2 triệu USD, tăng 30,6% so cùng kỳ.
Đối với nhóm ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống, chỉ số IIP năm 2022 ước tăng 28,2% nhờ các hoạt động xã hội như giải trí ngoài trời, nhà hàng, du lịch khách sạn đã mở cửa trở lại từ đầu năm, thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành sản xuất đồ uống và thực phẩm chế biến.
Nhóm ngành cơ khí có chỉ số IIP năm 2022 ước tăng 11,3%. Hiện nay, Thành phố đang tập trung phát triển các chuyên ngành cơ khí công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn, giảm thiểu sản phẩm cơ khí gia công đơn thuần. Ưu tiên phát triển các nhóm ngành: cơ khí khuôn mẫu; máy móc thiết bị điện; máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản và công nghiệp chế biến.
Thành phố đang tập trung phát triển ngành cơ khí công nghệ cao, giảm sản phẩm cơ khí gia công đơn thuần
Các nhóm ngành cơ khí được khuyến khích phát triển gồm: sản xuất dụng cụ gia đình; sản xuất máy công cụ; sản xuất máy động lực; sản xuất dụng cụ y tế, quang học, đồng hồ. Bên cạnh đó, Thành phố đã phát triển một số sản phẩm cơ khí tiêu biểu, có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng trong và ngoài nước, bao gồm: Cơ khí khuôn mẫu; Cơ khí công nghệ cao; Máy móc thiết bị và phụ tùng,…
Trong khi đó, nhóm ngành sản xuất hàng điện tử chịu nhiều tác động từ giá nguyên liệu tăng, chuỗi cung ứng sản xuất linh kiện có thời điểm gián đoạn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành đã nổ lực duy trì chuỗi cung ứng, chỉ số IIP năm 2022 ước tăng 5,8% (cùng kỳ giảm 17,8%).
Nhìn chung, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 ước tăng 17,3% so cùng kỳ; trong đó 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 19,92% so cùng kỳ, cao hơn 2,6 điểm % so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
Sở Công Thương TP HCM đánh giá, kết quả khả quan này ghi nhận sự nỗ lực của các doanh nghiệp mở rộng sản xuất bù lại khoảng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ngoài ra, đây còn là kết quả của sự đồng hành, hỗ trợ của Thành phố trong hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển về số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu, thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2022-2023…
Sở Công Thương TP cũng đang triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ về cả số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.