Ở góc độ một công ty, “giao tiếp” được hiểu là việc xác lập mối quan hệ và sự tiếp xúc giữa con người với nhau nhằm thỏa mãn nhu cầu nhất định. Trên cơ sở thu nhận thông tin, hai bên giao tiếp sẽ xây dựng, điều chỉnh mục tiêu, hành vi qua sự tác động lẫn nhau để cùng hiểu biết về tình huống, cùng tiếng nói, đem lại nhiều lợi ích cho hai phía. Trong doanh nghiệp, việc tạo ra môi trường làm việc dễ chịu sẽ giúp công việc của mỗi cá nhân trở nên trôi chảy. Để hoàn thiện điều đó, mỗi người cần có một số bí quyết giao tiếp trong công sở.
Giao tiếp tốt là cách để ứng viên khẳng định mình trước nhà tuyển dụng
Cụ thể, mỗi cá nhân nên tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, các phong trào thi đua đoàn, hội do doanh nghiệp hay đoàn thể tổ chức. Thông qua hoạt động phong trào, nhân viên sẽ mở rộng mối quan hệ với đồng nghiệp, giải tỏa được áp lực trong công việc hằng ngày. Các phong trào thi đua, hoạt động cộng đồng còn là cơ hội để các nhân viên học hỏi, nâng cao tay nghề và giao lưu văn hóa.
Ngày nay, quá trình tham gia các công tác đoàn thể, hoạt động xã hội còn được đưa vào bản nhận xét, đánh giá cá nhân của mỗi ứng viên khi xét tuyển nâng bậc hay ứng cử tìm việc làm mới. Đó cũng được xem là một trong những kỹ năng quan trọng để nhà tuyển dụng đưa ra quyết định tuyển chọn ứng viên. Chị Lê Thị Dung, ứng viên từng đăng tin tìm việc tại Phòng Dịch vụ - Việc làm Báo Người Lao Động, tâm sự: “Vào làm việc tại cơ quan mới, tôi luôn tích cực tham gia hoạt động thi đua văn nghệ do cơ quan tổ chức. Mặc dù công việc khá bận rộn nhưng tôi vẫn cố gắng dành thời gian để tham gia tập luyện cùng đồng nghiệp. Đó là cách để tôi được gần gũi, làm quen và cọ xát nghề nghiệp với các anh chị em trong doanh nghiệp”.
Giao tiếp công sở là vấn đề rất quan trọng khi đi làm. Để có mối quan hệ tốt, kỹ năng giao tiếp đóng vai trò hàng đầu. Nó không chỉ là cầu nối giúp nhân viên thắt chặt tình thâm mà còn giúp bạn thăng tiến trong công việc.
Bài và ảnh: Tường Phước