“Bây giờ có kinh nghiệm làm việc chưa hẳn là lợi thế để ứng tuyển khi tìm việc. Ngay cả bản thân tôi dù đã có 26 năm kinh nghiệm làm việc nhưng vẫn không thể cạnh tranh với đồng nghiệp trẻ biết tiếng Anh” - anh Lê Văn Hải tâm sự với chúng tôi khi đến Phòng Dịch vụ Việc làm Báo Người Lao Động đăng tin tìm việc. Đã hơn 4 lần đi phỏng vấn tìm việc nhưng anh Hải đều thất bại chỉ vì không biết ngoại ngữ dù hơn hẳn các ứng viên khác về trình độ, thâm niên làm việc.
Không thể thiếu
Hiện nay, doanh nghiệp (DN) nước ngoài đang đầu tư vào Việt Nam rất nhiều dẫn đến việc nhiều doanh nhân, lao động nước ngoài cũng đến Việt Nam để sinh sống và làm việc. Do đó, rào cản ngôn ngữ thực sự là một vấn đề quan ngại trong quan hệ lao động, nhất là giữa người lao động trong nước và các chủ đầu tư nước ngoài và điều này dễ dẫn đến sự thất bại của nhiều ứng viên thiếu kỹ năng ngoại ngữ. Chính vì vậy ở các công ty liên doanh, nước ngoài khi tuyển dụng lao động, các DN luôn đưa ra yêu cầu đòi hỏi ngoại ngữ bên cạnh trình độ chuyên môn. Cụ thể: Tại Công ty New Toyo (KCN Linh Trung 2, quận Thủ Đức, TP HCM) mới đây tuyển dụng nhân viên bán hàng với yêu cầu khá đơn giản về trình độ và kinh nghiệm nhưng tuyệt nhiên bắt buộc ứng viên phải biết Anh ngữ hoặc Hoa ngữ. Nhiều ứng viên khi đọc thông tin đã xuýt xoa tiếc nuối cũng chỉ vì khả năng ngoại ngữ mặc dù họ hoàn toàn đạt yêu cầu về bằng cấp chuyên môn.
Ngày nay, ngoại ngữ là điều kiện không thể thiếu trong quá trình phỏng vấn tìm việc
Các bạn sinh viên mới ra trường, dù là xin làm thêm, thực tập hay công việc chính thức thì khả năng ngoại ngữ cũng giúp các bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng, hiện nay bộ phận đó đang được săn đón để thay thế những vị trí cũ cựu, làm mới và hiện đại bộ máy nhân sự đã lỗi thời và mục đích chính là đầu tư về mặt ngoại giao, giúp DN vươn xa. Am hiểu về ngành nghề là lợi thế khá lớn nếu so sánh tương quan về trình độ nhưng sẽ chắc chắn hơn nếu bên cạnh đó người tìm việc còn có thể giao tiếp tốt ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh.
Một chuyên gia tư vấn nhân sự cho biết đa số nhà tuyển dụng công ty nước ngoài thường đánh giá cao và ưu tiên những hồ sơ xin việc có kỹ năng, trình độ giao tiếp ngoại ngữ tốt bởi họ suy nghĩ rằng “hiểu trước rồi học sau” là cách để đào tạo ứng viên tiềm năng.
Chìa khóa thành công
Tại thời điểm mà nhà nhà đều nói tiếng Anh và nhiều người thậm chí còn nói tốt 2, thậm chí 3 ngoại ngữ, thì việc thành thạo nhiều ngôn ngữ trở thành chỉ tiêu tuyển dụng quan trọng. Khá nhiều nhà tuyển dụng khi tuyển chọn ứng viên đều sàng lọc những hồ sơ có bằng cấp, ngành nghề liên quan đến ngoại ngữ như biên - phiên dịch thuật, chỉ cần 2 phút để lướt qua 1 hồ sơ và chính yếu tố này lôi kéo nhà tuyển dụng lưu lại thông tin của ứng viên. Bởi họ cho rằng người biết ít nhất 2 ngôn ngữ thường biểu hiện một sự nhạy bén trong tư duy, đồng nghĩa khả năng thích ứng cao với những tình huống mới mẻ và bất ngờ, rất cần thiết trong môi trường làm việc đòi hỏi sự tập trung cao độ và nhanh nhạy.
Với xu hướng hiện nay, khả năng giao tiếp ngoại ngữ tốt chính là chìa khóa dẫn lối đến thành công cho mọi người, hầu hết các công ty, DN trong và ngoài nước đều coi trọng và đánh giá cao nhân viên, viên chức có năng lực chuyên môn cao và am hiểu ngoại ngữ tốt. Đó là nền tảng vững chắc trong từng vị trí công việc.
Bài và ảnh: TƯỜNG PHƯỚC