Kinh nghiệm về cải thiện tầm vóc nhờ dinh dưỡng của người Nhật là một thí dụ điển hình. Vào Thế chiến thứ hai, người Nhật có tầm vóc thấp bé. Nhưng đến năm 2000, chiều cao trung bình của người Nhật là 171 cm ở nam và 158,1 cm ở nữ. Trong khi đó, một thống kê vào năm 2001 ở nước ta cho thấy chiều cao trung bình của nam 18 tuổi đạt 164 cm, nữ là 153 cm.
Theo ngành y tế, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi vẫn còn cao, đặc biệt vấn đề dinh dưỡng chưa được quan tâm. Đây là lý do vì sao tình trạng chiều cao thanh niên Việt Nam hiện thấp hơn nhiều so với chuẩn quốc tế.
Làm thế nào trong mỗi bữa ăn của trẻ có thêm 1 ly sữa, 1 quả trứng và 1 quả chuối để các em được nhận thêm khoảng gần 300 Kcal cùng một số chất đạm tốt và các vitamin cần thiết cho sự tăng trưởng.
Sữa là thực phẩm rất giàu canxi, giàu chất đạm cần thiết để xây dựng cơ thể. Một ly sữa 200 ml cung cấp khoảng 150 Kcal và 7,8 g protein. Trứng là thực phẩm chứa nhiều chất đạm cần cho sự tăng trưởng của cơ thể. Một quả trứng gà, vịt cung cấp khoảng 80 Kcal và 7,3 g protein. Riêng chuối rất thông dụng và rẻ tiền ở nước ta. Một quả chuối cung cấp nhiều vitamin. Để phát triển tầm vóc, không chỉ trẻ em mà ngay cả thanh thiếu niên cũng cần bổ sung bữa ăn phụ này vào khẩu phần ăn hằng ngày. Có 3 giai đoạn ảnh hưởng đến tầm vóc, sức khỏe và trí tuệ:
- Giai đoạn thai nghén: Là giai đoạn quan trọng nhất vì thai nhi cần được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để phát triển tốt về cân nặng và chiều cao, hình thành các cơ quan một cách đầy đủ và khỏe mạnh. Bà mẹ mang thai cần được ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, đủ về số lượng và cân đối về chất lượng. Những chất dinh dưỡng mà bà mẹ mang thai hay bị thiếu là chất đạm, canxi và sắt. Đây là những chất quan trọng vì giúp tạo tế bào, mô, xương và máu cho thai nhi. Nếu được nuôi dưỡng đầy đủ, lúc sinh ra thai nhi sẽ cân nặng 3-3,5 kg và chiều cao khoảng 50 cm. Đây là tiền đề cho sự phát triển tầm vóc tốt của trẻ sau này.
- Giai đoạn 2 năm đầu đời: Là giai đoạn phát triển nhanh nhất về thể chất cũng như tinh thần. Chiều cao của trẻ tăng rất nhanh, năm đầu tăng 25 cm, năm thứ hai tăng 12 cm. Trong giai đoạn này cần cho bé bú sữa mẹ và ăn dặm đúng cách, đủ các nhóm thức ăn gồm chất đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
- Giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì: Chiều cao phát triển nhanh trở lại và tiếp tục cho đến năm 18 tuổi. Sau đó chiều cao không tăng nữa nhưng khối lượng xương vẫn tiếp tục phát triển cho đến 28-30 tuổi. Muốn phát triển tốt, thức ăn phải đầy đủ chất đạm, canxi, sắt, kẽm. Thức ăn chứa nhiều đạm như thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu. Thức ăn chứa nhiều canxi như sữa, cá, cua, nghêu, sò... Thức ăn chứa nhiều sắt là thịt bò, trứng, gan, rau dền… Thức ăn chứa nhiều kẽm gồm thịt, sữa, lòng đỏ trứng, gan… Bên cạnh dinh dưỡng đầy đủ và cân đối, nam nữ ở độ tuổi này cần tập luyện thể dục thể thao. Nên tập các môn có tác dụng tăng chiều cao như: bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, bơi lội, xà đơn, xà kép, xà lệch…
Bác sĩ Ngô Văn Tuấn