Sự suy giảm chức năng ở mỗi người thường không giống nhau. Nhưng thường giống nhau ở người cao tuổi là dễ bị loãng xương, suy giảm độ bền cũng như khả năng tái tạo của sụn khớp. Ăn uống thiếu hụt calcium trong giai đoạn trưởng thành và tuổi già có thể góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng mất xương do loãng xương và thoái hóa khớp.
Sụn khớp là một phần đệm tốt để giúp giảm sức nén và giúp cho việc chuyển động trượt giữa các khoang khớp với một hệ số ma sát thấp. Trong sụn khớp không có mạch máu và thần kinh. Các tế bào sụn chiếm 3% sụn khớp, còn lại là nước và chất cơ bản. Chất cơ bản này được xây dựng từ một mạng lưới gồm các sợi collagen (chủ yếu là collagen type 2) đan chéo nhau dày đặc giúp cho sụn khớp dày và đàn hồi.
So với người trẻ, các tế bào sụn khớp ở người già tổng hợp rất ít protein và collagen. Điều này làm suy giảm độ bền cũng như khả năng tái tạo của sụn khớp. Khi tế bào sụn già không khôi phục lại được một cách nhanh chóng, các vết nứt sẽ xuất hiện ở vùng đáy sụn, thương tổn ban đầu xuất hiện và tiến triển thành thoái hóa khớp. Thêm vào đó, các sợi collagen type 2 trong sụn khớp trở nên mảnh, nhỏ hơn, lỏng lẻo và xoắn vặn gây thoái hóa chất nền sụn khớp.
Collagen type 2 (UC II) được tạo thành các axít amin cần thiết cho tái tạo sụn khớp, tạo ra sự dung nạp miễn dịch; giúp hệ miễn dịch cơ thể điều chỉnh các phản ứng viêm, hạn chế sự xâm lấn của các yếu tố có hại lên mô sụn; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái tạo, sửa chữa sụn khớp; góp phần giảm thoái hóa khớp, củng cố các khớp xương sụn; kiến tạo, nuôi dưỡng, duy trì sức khỏe của sụn khớp, giúp khớp xương thêm khỏe và dẻo dai.
Calcium là một khoáng chất, chiếm 1,5%-2% thể trọng, trong đó xương chứa hơn 99% toàn bộ lượng calcium của cơ thể. Calcium đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ thống các enzyme. Sự co cơ, phóng thích chất dẫn truyền thần kinh, duy trì nhịp tim bình thường, quá trình đông máu đều chịu ảnh hưởng của calcium. Ở người trưởng thành, sự thiếu hụt calcium có thể dẫn đến chứng mềm xương. Calcium trong máu thấp trầm trọng có thể dẫn đến sự co cứng cơ và bị chuột rút. Dinh dưỡng thiếu calcium cũng góp phần vào việc cao huyết áp, loãng xương và sưng đau khớp xương.
Huyền Châu