Thật vậy, khi tuổi tăng lên, khả năng hấp thu của cơ thể và sức khỏe hệ tiêu hóa đều giảm. Đó là lý do có đến 95% người lớn tuổi ở Việt Nam gặp vấn đề về sức khỏe, có liên quan đến việc thiếu hụt dưỡng chất. Hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Viết Quỳnh Thư, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP HCM), để hiểu rõ hơn về việc này.
* Thưa bác sĩ, xin bác sĩ giải thích rõ hơn, tại sao khi bước qua tuổi 50, chúng ta thường bị thiếu hụt dưỡng chất?
- BS Nguyễn Viết Quỳnh Thư: Khi bước qua tuổi 50, cơ thể có nhiều sự biến đổi và việc thiếu hụt dinh dưỡng ở lứa tuổi này thường do 2 nguyên nhân chính là bữa ăn hằng ngày không cung cấp đủ lượng dưỡng chất cần thiết và khả năng hấp thu của cơ thể đã giảm. Rất nhiều người không đồng ý với quan điểm bữa ăn của họ thiếu chất, khi họ vẫn ráng ăn thịt, ăn nhiều cơm để khỏe hơn. Đây chính là thói quen sai lầm - ăn nhiều tinh bột, nhiều thịt nhưng không thích ăn cá, ít ăn rau và trái cây tươi của người Việt Nam. Thói quen này tạo những “gánh nặng” lên cơ thể, vì chất bột đường, chất béo thì lại được cung cấp thừa, trong khi lại thiếu những chất rất quan trọng như vitamin, khoáng chất, chất xơ...
* Những thiếu hụt này thường khiến sức khỏe suy giảm. Nhưng có dấu hiệu cảnh báo nào không, thưa bác sĩ?
- Cơ thể chúng ta là một cỗ máy được thiết kế rất tinh tế, luôn có những “cảnh báo nguy hiểm” nhưng chúng ta không để ý. Khi bước sang tuổi 50, hầu như mọi người đều có các dấu hiệu suy giảm sức khỏe, nếu nói ra thì mới thấy “quen thuộc”. Chẳng hạn như: hay cảm giác mệt mỏi trong người; cảm giác khó thở khi gắng sức: leo cầu thang, lên dốc, khiêng vật nặng; Giảm các hoạt động thể lực, giảm tốc độ đi bộ; đau nhức các vùng cơ xương khớp, đau lưng; thỉnh thoảng có những cơn đau thắt vùng ngực; nhức đầu, chóng mặt, trí nhớ suy giảm; ăn uống khó tiêu, chán ăn, hay bị rối loạn tiêu hóa; hay bị cảm lạnh, ho khi thay đổi thời tiết; sụt cân không chủ ý…
Việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể khi bước qua tuổi 50 không đơn giản
* Vậy làm thế nào để cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể?
- Có 3 nguyên tắc dinh dưỡng giúp người tuổi 50 giữ gìn sức khỏe. Một là, bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu cầu năng lượng cho cơ thể hằng ngày, tức là đối với phụ nữ, nếu hoạt động thể lực nhẹ cần 1.800 kcal, người có lối sống tích cực cần 2.000-2.200 kcal. Tương tự, nam giới hoạt động thể lực nhẹ cần 2.200-2.400 kcal và người có lối sống tích cực cần 2.400-2.800 kcal. Hai là, các bữa ăn phải đầy đủ, cân đối, đa dạng 4 nhóm thực phẩm gồm: chất bột đường (khoảng 50-60% tổng năng lượng), chất đạm (khoảng 1-1,2 g/kg/ngày), chất béo (khoảng 20%-30% tổng năng lượng), bổ sung nhiều rau xanh và trái cây tươi để cung cấp đủ chất xơ cho cơ thể. Ba là, cẩn bổ sung đầy đủ 28 vitamin, khoáng chất cho cơ thể mỗi ngày để duy trì sức khỏe, giảm tốc độ lão hóa, giảm nguy cơ những rối loạn và bệnh tật do thiếu vi chất gây nên...
* Như vậy, bữa ăn thông thường của người qua tuổi 50 nên như thế nào, thưa bác sĩ?
- Gồm 4 nên ăn như sau: 1. Nên ăn đủ lượng đạm cho cơ thể, từ các loại thịt nạc, cá, trứng, sữa, các loại đậu... 2. Nên chọn chất béo tốt cho hệ tim mạch như các loại cá giàu axít béo omega-3, dầu thực vật, hạt có dầu. 3. Nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, chọn các loại ngũ cốc nguyên vỏ, nguyên hạt. 4. Nên uống thêm sữa dinh dưỡng được thiết kế dành riêng cho người lớn tuổi để bổ sung đầy đủ những dưỡng chất thiết yếu, giúp giải quyết các vấn đề do ăn uống kém và hấp thu kém ở lứa tuổi này.
Ba đừng ăn gồm: 1. Đừng ăn những chất béo có hại; 2. Đừng ăn nhiều tinh bột; 3. Đừng ăn mặn.
* Chân thành cảm ơn bác sĩ!
Bài và ảnh: Khánh Toàn