1. Vitamin B12: Còn được gọi là cyanocobalamin, tan trong nước, có hiệu lực với liều rất nhỏ. B12 cần được kết hợp với canxi thì mới hấp thu tốt nhất vào cơ thể (nên uống chung với sữa).
- Nhu cầu hằng ngày: 2 mcg/người lớn, 3 mcg/phụ nữ có thai và cho con bú.
- Lợi ích: Cấu tạo và tái sinh hồng cầu, giúp tăng trưởng và kích thích thèm ăn ở trẻ em.
- Thiếu B12: Hay gặp ở người bị rối loạn tiêu hóa (táo bón, tiêu chảy), dùng nhiều kháng sinh, người cao tuổi. Nếu thiếu B12, cơ thể sẽ bị thiếu máu, rối loạn thần kinh, cơ thể sinh mùi hôi, tóc nhiều gàu, hồi hộp, rối loạn kinh nguyệt, lở nứt miệng, yếu sức, trẻ em chậm lớn.
- Thực phẩm chứa nhiều B12: Gan, trứng, sữa, phô-mai, cá, tôm, cua, sò, ốc.
- Thuốc chứa B12: Becozyme, Bcomplex.
Dùng quá liều B12 không có sự độc hại nào, tuy nhiên không nên đưa vào cơ thể hơn 1.000 mcg/năm.
2. Magnesium (Mg): Cần cho sự biến dưỡng canxi, phốt pho, natri, kali, vitamin C, vitamin B, glucose, chất béo.
- Nhu cầu hằng ngày: 250 mg cho người lớn, 400 mg cho phụ nữ có thai và đang cho con bú.
- Lợi ích: Chống suy nhược, mập phì, ngăn ngừa đẻ non, giảm bớt hội chứng tiền kinh nguyệt, giảm táo bón, chống lão hóa.
- Thiếu Mg: Phụ nữ có thai dễ bị sản giật. Khi mang thai nếu bị phù, cao huyết áp, nhức đầu thì nên đi khám bác sĩ ngay để tiêm thuốc chứa Mg và ăn thức ăn giàu Mg.
- Nguồn thực phẩm giàu Mg: Đậu phộng, đậu nành, đậu xanh, mè, nấm mèo, rau lá có màu lục đậm và hải sản.
- Thuốc chứa Mg: Mg-B6, Mg sulphate.
Không nên dùng liều cao trong thời gian dài.
3. Coenzyme Q10: Giúp giảm nguy cơ tai biến tim mạch, kích thích hệ thống tế bào miễn dịch cơ thể, phòng bệnh nha chu, giảm mỡ máu, điều hòa huyết áp, chống lão hóa, phòng ngừa ngộ độc do dùng thuốc và các hóa chất trong môi trường sống, giải phóng năng lượng thừa nhờ đó ngăn ngừa béo phì và sự tích mỡ có hại ở các tạng phủ.
- Nhu cầu: 10-30 mg/ngày.
- Nguồn thực phẩm giàu CoQ10: Bình thường CoQ10 có trong rau đậu, thịt, cá, trứng, sữa với hàm lượng rất nhỏ. Do chế biến hay nấu chín nên hàm lượng CoQ10 giảm đi rất nhiều.
- Đối tượng cần bổ sung CoQ10: Những người già, người nghiện rượu hay thuốc lá, người lao động gắng sức, stress cần được bổ sung CoQ10 từ thuốc.
- Phản ứng phụ: Rất hiếm.
4. Isoflavone: Khi phụ nữ trên 30 tuổi có lượng estrogen do buồng trứng tiết ra giảm dần, khiến cơ thể bị vết nám, tàn nhang, da nhăn, tóc khô xơ dễ rụng, nhiều mỡ bụng, giảm tiết dịch nhờn âm đạo và giảm ham muốn. Nếu dùng estrogen để điều trị thì rất dễ gia tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, ung thư vú, mất trí nhớ. Trong đậu nành chứa rất nhiều Isoflavon, giúp bảo vệ cơ thể chống ung thư vú, bệnh tim, loãng xương và giảm các triệu chứng mãn kinh.
- Nguồn chứa nhiều Isoflavon: Đậu nành, cỏ 3 lá đỏ.
- Nhu cầu hằng ngày: Nên cung cấp khoảng 50 mg Isoflavon hay 4 cốc sữa đậu nành.
5. Glucosamin: Glucosamin là một amino-mono-saccharide có trong mọi mô của người. Glucosamin được cơ thể dùng để sản xuất các proteoglycan. Những phân tử proteoglycan này hợp với nhau tạo thành mô sụn. Nguồn cung cấp để tổng hợp glucosamin lấy từ glucose trong cơ thể. Hiện tượng viêm trong khớp đã tiêu thụ lượng glucose có giới hạn của cơ thể dẫn đến sự thiếu hụt glucosamin, lúc này glucosamin ngoại sinh là nguồn cung cấp tốt nhất cho sự sinh tổng hợp các proteoglycan. Nó còn ức chế các men sinh học như stromelysin và collagenase vốn phá hủy sụn khớp.
- Chỉ định: Viêm khớp gối nhẹ và trung bình.
- Nhu cầu: 500-1.500 mg/ngày, liên tục ít nhất trong 2-3 tháng. Có thể dùng Viartril-S 1.500 mg/ngày hay 1 gói/ngày.
- Chống chỉ định: Phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi.
- Phản ứng phụ: Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy.
Bác sĩ Ngô Văn Tuấn