Dân khổ sở giờ đi làm
Trên các thông tin rao bán căn hộ được quảng cáo rầm rộ thời điểm cuối năm, không khó để gặp những thông tin quảng cáo vị trí dự án ngay trung tâm thành phố, thuận tiện cho việc đi lại… Tuy nhiên, khi “mục sở thị” thì không ít dự án chung cư nằm lọt trong những ngõ nhỏ, mật độ dân cư rất cao. Thay vì thuận tiện cho việc đi lại, thì cung đường này thường xuyên xảy ra kẹt xe.
Chẳng hạn, Chung cư Mỹ Phước, phường 2, quận Bình Thạnh, TP.HCM gồm 3 khu với 7 block nhà cao 18 tầng, có khoảng hơn 500 căn hộ và hơn 2.000 nhân khẩu. Thế nhưng, con ngõ dẫn vào chung cư chỉ rộng khoảng 7 m, hằng ngày đang phải “gồng mình” gánh số lượng lớn người và phương tiện lưu thông qua lại.
Chung cư Mỹ Phước nẵm sâu trong hẻm nhỏ
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, đại diện Ban quản lý Chung cư Mỹ Phước cho biết, toàn chung cư có 170 ôtô và 1.000 xe máy. Ngoài ra, tại tầng trệt 2 block A và B có quán café, siêu thị mini và quán ăn, nên hằng ngày có số lượng xe ra vào khá lớn. Đã vậy, các nhà hai bên mặt đường hay lấn đường làm chỗ buôn bán và để xe, nên có khi 2 ô tô đi ngược chiều tránh nhau cũng khó.
Cũng chung số phận, trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 21, quận Bình Thạnh là Chung cư Mỹ Đức. Đây được coi như là “anh em ruột” với Chung cư Mỹ Phước do có cùng chung một chủ đầu tư là Công ty cổ phần Xây dựng số 5. Chung cư có 4 tòa nhà cao 20 tầng với 740 căn hộ và khoảng 2.800 cư dân. Đại diện ban quản lý chung cư này cho biết, tại đây có khoảng 150 xe ôtô và hơn 1.500 xe máy. Lối dẫn từ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh vào chung cư chỉ dài khoảng 200 m, nhưng thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm.
“Do đoạn đường dẫn vào chung cư này chỗ thì rộng chừng 10 m, nhưng cũng có chỗ chỉ còn khoảng 5 m, nên dẫn tới ách tắc vào giờ cao điểm, việc đi lại rất khổ sở”, đại diện Ban quản lý Chung cư Mỹ Đức chia sẻ.
Ngoài ra, trên địa bàn TP.HCM còn có hàng loạt chung cư đang nằm trong ngõ nhỏ như Mỹ Phú (quận 7), Phú Đạt (quận Bình Thạnh), Trần Xuân Soạn (quận 7), hay BMC (quận 1)… Ngoài tình trạng kẹt xe, một điểm nữa khiến các hộ dân sống trong các chung cư này lo ngại đó là an toàn cháy nổ. Bởi nếu không may xảy ra cháy nổ, thì các phương tiện chữa cháy và cứu hộ rất khó có thể tiếp cận được.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) chia sẻ, Thành phố đã trang bị cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại để chữa cháy nhà cao tầng, như xe thang chữa cháy có thể vươn đến tầng 18. Nhưng đó chỉ là về lý thuyết, còn trong thực tế, nếu xảy ra cháy thì có thể tầm với sẽ thấp hơn do khó tiếp cận mục tiêu. Bên cạnh đó, các tiện ích nội khu đều được các chủ đầu tư đưa lên cao, đưa vào trong nhà hoặc thậm chí là bỏ quên.
Kết quả kiểm tra phòng cháy và chữa cháy chung cư của cơ quan chức năng TP.HCM gần đây cho thấy, nhiều chung cư tái định cư, chung cư nhà ở xã hội có công trình phòng cháy, chữa cháy chất lượng thấp, hoạt động không ổn định, thiếu tin cậy. Trong khi đó, các chung cư nhà ở thương mại bình dân, có giá bán vừa túi tiền dành cho đối tượng người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, phần lớn đảm bảo được các yêu cầu về công trình phòng cháy, chữa cháy.
Cũng có chung cư chưa đủ điều kiện, nhưng chủ đầu tư đã bàn giao để người dân vào sinh sống, gây nguy cơ mất an toàn, kể cả về phòng cháy, chữa cháy.
Các chung cư nhà ở thương mại cao cấp, hạng sang được đầu tư đầy đủ các tiện ích, trong đó có công trình phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, cá biệt cũng có chung cư với danh xưng "cao cấp" nhưng mỗi sàn lại có mật độ căn hộ còn cao hơn chung cư bình dân.
Vị trí chung cư Phú Đạt
Lỗi do quy hoạch?
Quanh những tuyến đường đã nhỏ lại có mật độ người tham gia giao thông đông như đường Phổ Quang, Hoàng Minh Giám, Hồng Hà tại quận Tân Bình…, người mua nhà đều không khỏi choáng ngợp bởi các tòa nhà cao tầng đang được chủ đầu tư gấp rút hoàn thành để có thể tung ra thị trường trong thời gian sớm nhất. Song câu hỏi được đặt ra ở đây là, khi những dự án này hoàn thành và đưa vào sử dụng, tại đây sẽ có thêm hàng nghìn hộ dân tới sinh sống, trong khi hạ tầng vẫn “giậm chân tại chỗ”.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích, trên thực tế, có thể khi được phê duyệt, các hạng mục và thiết kế của dự án có chú ý đến phát triển hạ tầng công cộng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện thì chủ đầu tư lại xin “khất”, điều chỉnh dần, hoặc tự ý điều chỉnh mà không có cơ quan nào xử lý nghiêm túc.
Đây là câu chuyện về vấn đề quy hoạch. Quy hoạch hiện nay đang rất mất cân đối, không bảo đảm được sức tải của không gian. Trong vấn đề này, có thể nhận thấy các nhà đầu tư đang được ưu ái nhiều hơn so với việc bảo vệ cảnh quan đô thị và tiện ích của người dân.
“Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do trong quá trình điều chỉnh quy hoạch, chúng ta chiều theo lợi ích riêng của các nhà đầu tư nhiều hơn lợi ích chung của Thành phố”, ông Võ cho biết.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, đây là một lỗ hổng về quản lý. Các cơ quan chức năng vẫn còn lỏng lẻo trong việc phê duyệt dự án. Do đó, để khắc phục triệt để, cả cơ quan nhà nước và chủ đầu tư đều phải có trách nhiệm và giám sát chéo lẫn nhau. Chẳng hạn như chủ đầu tư phải có biện pháp để nâng cao hệ thống hạ tầng tại chỗ đó, trong khi Nhà nước cũng phải có chính sách hỗ trợ nguồn lực cho doanh nghiệp trong việc cải tạo cơ sở hạ tầng.
“Khi Thành phố duyệt dự án thì phải dựa trên cơ sở thực tế hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội khu vực phải đáp ứng được, nhưng trong thời gian vừa qua, tại một số cơ quan nhà nước lại duyệt dựa trên định hướng phát triển trong tương lai, thành ra hạ tầng chưa theo kịp là điều dễ hiểu”, ông Châu nhấn mạnh.