Bị làm phiền mọi lúc
Anh Đào Anh Minh (ngụ TP HCM) - một khách hàng mua 1 căn hộ tại dự án trên đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh cho biết, anh ký hợp đồng mua căn hộ vào tháng 3 vừa qua. Ngay trong tháng đầu tiên mua nhà, nhiều cuộc gọi của các nhân viên kinh doanh bất động sản tự nhận là của chủ đầu tư gợi ý tư vấn anh bán căn hộ mình đã mua để kiếm lời, vì dự án hiện đang tăng giá khá cao.
Anh Minh kể, những cuộc đầu anh còn lịch sự trả lời là mua để ở và không bán, nhưng sau đó các cuộc gọi tới tư vấn tới tấp vào mọi lúc, thậm chí vào lúc chuẩn bị đi ngủ anh cũng bị gọi hỏi bán căn hộ hay không khiến anh rất bức xúc.
Không chỉ bị làm phiền mời gọi bán nhà, anh Minh cho rằng, họ còn bán cả thông tin cá nhân của anh cho các nhân viên đang bán dự án khác mời mua, rồi đến lượt các công ty bảo hiểm, ngân hàng, nhà hàng…cũng gọi mời chào.
Tương tự, chị Hứa Thị Liên, ngụ quận 9, TP HCM cũng than thở liên tục bị nhân viên bất động sản gọi mời bán lại kiếm lời sau khi mua căn hộ tại quận 2 để ở. Xác định mua nhà để ở, nhưng thấy có nhiều người hỏi mua lại với giá cao hơn, nên sau đó chị Liên quyết định bán lại. Thế nhưng, dù đã bán nhà từ 2 tháng nay, chị vẫn tiếp tục bị làm phiền bởi những cuộc điện thoại bàn từ phía công ty gọi tới hỏi có muốn bán căn hộ đã mua hay không.
Một trường hợp khác là chị Lê Thị Hương, ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM. Chị Hương kể, sau khi mua một căn hộ tại quận 9 vào cuối năm ngoái để ở chị cũng liên tục bị làm phiền bởi các nhân viên bất động sản, bảo hiểm. Vì thế khi thấy số lạ chị đều không bắt máy, nhưng vì công việc nên những số máy bàn chị vẫn bắt máy.
Sau khi cung cấp thông tin để ký hợp đồng mua bán nhà, không ít người gặp phiền phức từ những cuộc điện thoại gạ tư vấn bán lại, ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống thường ngày. Ảnh: Gia Huy
Chị Hương kể, cách đây 2 tuần, có người dùng số máy bàn gọi cho chị xưng là người của chủ đầu tư dự án chị mua căn hộ, mời chị tới dự tiệc tri ân khách hàng, sau đó gửi thư mời tới nhà. Nhận được thư mời chị Hương tới dự mới biết đây là buổi tiệc do một công ty tài chính tổ chức để giới thiệu gói đầu tư tiền sinh lời. Giấy mời ghi từ 18h nhưng tới tận 20h30 vẫn không cho khách mời ăn mà chỉ liên tục giới thiệu về gói đầu tư tài chính.
"Bức xúc, chúng tôi phản ứng rằng bị lừa, thì nhân viên của công ty tài chính đó nói rằng, vì danh sách có được nhờ mua của công ty địa ốc bán dự án chúng tôi mua, nên nói vậy để chúng tôi tham dự", chị Hương nhớ lại.
Những trường hợp như anh Minh, chị Liên, và chị Hương kể trên thực ra không phải hiếm trên thị trường hiện nay.
Chủ đầu tư cũng hết cách?
Vị tổng giám đốc của doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án mà anh Minh phản ánh ở trên cho biết, ông cũng phải 'bó tay' trước vấn nạn này.
"Tôi cũng đã cố gắng truy lùng xem ai là người bán danh sách khách hàng ra ngoài, nhưng suốt 5 tháng qua chúng tôi vẫn chưa có kết quả, nếu không muốn nói là không thể điều tra được. Thiếu sót này chúng tôi thừa nhận và thấy có lỗi với khách hàng, bởi quản lý nhân viên không nghiêm", vị tổng giám đốc này nói.
Giải thích về việc nhân viên gọi điện hỏi khách hàng, vị tổng giám đốc giải thích do không biết khách hàng có mua đầu tư hay không, trong khi dự án có nhiều người muốn mua để ở nên công ty yêu cầu nhân viên gọi xác định lại vì luôn muốn căn hộ được bán cho người có nhu cầu ở thực.
Tương tự, tổng giám đốc một công ty phát triển bất động sản cũng thừa nhận đây là câu chuyện mà chính ông cũng đang phải tìm cách giải quyết. Điều này thường do các nhân viên sàn giao dịch tự làm và phát sinh từ sự tham lam của nhân viên kinh doanh.
Ông này phân tích, công ty địa ốc nào cũng có hàng trăm, thậm chí cả ngàn nhân viên kinh doanh, trong đó thông tin về khách hàng của công ty sẽ để cho các nhân viên dùng chung, đây là kẽ hở để họ thoải mái gọi mời hay bán danh sách. Đây cũng là điểm yếu kém trong quản lý nhân viên của doanh nghiệp. Theo ông, nếu không có biện pháp chế tài cụ thể, chính các doanh nghiệp sẽ tự đánh mất khách hàng của mình, còn khách hàng vẫn phải chịu đựng những cuộc điện thoại làm phiền nhiều hơn nữa.
Phúc, nhân viên kinh doanh địa ốc của Sàn giao dịch Nam Sài Gòn cũng cho biết, lý do làm phiền khách hàng một phần xuất phát từ áp lực doanh số bán mà chủ đầu tư đưa ra với nhân viên sàn. Họ thường gọi cho khách hàng đã mua căn hộ để biết họ có nhu cầu bán lại không là nhằm tạo ra doanh thu ảo cho nhân viên hưởng đủ lương, cũng như hoa hồng hàng tháng.