Ngôi nhà là công trình của một gia đình trẻ vô cùng đặc biệt: chồng Bắc – vợ Nam. Anh chồng vốn được người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội còn người vợ lại sinh ra và lớn lên ở miền Tây Nam Bộ. Vì vậy, trong cuộc sống và sinh hoạt của gia đình vợ chồng trẻ chính là sự hoà trộn của hai nền văn hoá khác biệt Nam Bắc...rất thú vị.
Nếu miền Bắc là cái nôi của nền văn hóa Việt lưu giữ nhiều nét truyền thống đáng quý cho đến ngày nay thì sự phóng khoáng, dân dã chính là nét đẹp của người dân miền Tây Nam Bộ. Sống ở miền Tây nhưng người chồng gốc Bắc luôn nghĩ về nơi đã sinh ra và nuôi mình khôn lớn nên rất mong muốn sẽ truyền lại cho con cái cũng như thế hệ kế tiếp của mình một phần nào đó nét văn hoá của đất và người Hà Nội.
Ngôi nhà có kết cấu vô cùng mạch lạc nhưng cũng đầy thú vị và mang nhiều cảm xúc đặc biệt. Các kiến trúc sư đã thiết kế hai cây cầu để kết nối giao thông xuyên suốt các khối nhà. Một cây cầu bằng bê tông, có độ dốc, kết nối từ phòng ngủ chính và phòng làm việc ở tầng 2. Một cây cầu khác được làm bằng thép màu vàng để kết nối phòng thờ với phần vườn nghiêng bên ngoài, điểm kết của nó là một khoảng trống trên mặt đứng phía trước.
Không gian của ngôi nhà được các kiến trúc sư tính toán kĩ sao cho con người như được sống hòa mình vào thiên nhiên. Dù đứng ở bất cứ chỗ nào trong căn nhà, thậm chí là ngay cả khi đi trên những cây cầu nhỏ “chênh vênh” cũng đều dễ dàng chạm tay vào cây cỏ, hoa lá.
Ngoài ra, để thu hút nguồn ánh sáng tự nhiên, các kiến trúc sư đã tạo ra cho ngôi nhà 4 mặt đứng khác nhau hình thành những khoảng trống bị kẹp ở giữa tựa như những cái giếng ánh sáng khác biệt và vô cùng tinh tế. Chính cách bố trí độc đáo này đã tạo ra cho ngôi nhà một không gian ngập tràn thoáng đãng, giúp con người được hòa mình vào thế giới thiên nhiên & cung cấp nguồn ánh sáng trực tiếp cho những “miệt vườn” nhỏ trong nhà.