Theo ông Nguyễn Trần Nam, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển, quản lý nhà ở xã hội của Chính phủ đã quy định hai nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ là từ các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo đó, các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm cổ phần chi phối phải dành 3% tổng dư nợ của mình để cho vay mua bán nhà ở xã hội với các điều kiện ưu đãi. Nguồn vay thứ 2 được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện. Ngân hàng này sử dụng nguồn vốn 50% từ ngân sách và 50% từ nguồn huy động để cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất tối đa 5%.
Như vậy, thay cho gói 30.000 tỉ đồng, sẽ có 2 gói vay không giới hạn quy mô, thời gian vay với lãi suất thấp dành cho người mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Người có nhu cầu mua nhà ở xã hội có thể yên tâm.
Tuy nhiên, mặc dù cơ chế, chính sách đã có nhưng để những chính sách này được đưa vào thực tế thì cần một “độ trễ” nhất định. Sở dĩ đến thời điểm này, nguồn vốn cho nhà ở xã hội vẫn “nằm trên giấy” bởi 3 nguyên nhân: Đó là, quy định các ngân hàng thương mại phải tạo lập một quỹ cho vay nhà ở xã hội là ý tưởng khó khả thi. Bởi lẽ, trên thực tế các ngân hàng thương mại hiện cũng đang gặp không ít khó khăn nên việc dành vốn ưu đãi cho vay mua nhà ở xã hội sẽ là đòi hỏi thiếu thực tiễn.
Hai là Ngân hàng Chính sách Xã hội hiện không chỉ tập trung cho vay nhà ở cho người thu nhập thấp mà còn nhiều chương trình khác như: Nông nghiệp, hướng nghiệp, phát triển kinh tế biển, hỗ trợ sinh viên… nên nguồn vốn bị phân bổ, không tập trung. Cuối cùng, các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa thống nhất.
Về phía Hiệp hội Bất động sản, để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, cách đây 5 tháng Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Xây dựng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị triển khai các luật cụ thể để cho ra đời nguồn vốn cho nhà ở xã hội. Mới đây, hiệp hội có công văn tương tự gửi Thường vụ quốc hội, Uỷ Ban Kinh tế, Thường vụ Quốc hội.
“Khả năng năm 2017 sẽ có dòng tiền cho phân khúc này. Bên cạnh đó, trong thời gian tới hiệp hội cũng đặt mục tiêu cho ra đời thí điểm Quỹ Đầu tư Bất động sản để có một kênh huy động vốn độc lập cho thị trường bất động sản mà không phụ thuộc nguồn vốn ngân hàng, trong đó có nguồn vốn cho người nghèo” - ông Nam khẳng định.