Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết Vinacas được giao nhiệm vụ lên dự án phát triển điều với Bờ Biển Ngà và Campuchia. Theo đó, Việt Nam giúp Bờ Biển Ngà tăng năng suất từ 400 kg như lâu nay lên hơn 1 tấn/ha. Ngược lại, họ cấp quota cho Việt Nam 500.000 tấn điều thô/năm để hạn chế qua môi giới từ các nước khác. Campuchia phát triển mạnh, trong năm qua đã bán cho Việt Nam 100.000 tấn điều thô. Diện tích trồng điều ở nước này cũng tăng nhanh, có 100.000 ha trồng mới. Ông Thanh cũng cho biết việc xuất khẩu, chuyển giao công nghệ chế biến điều cho Bờ Biển Ngà là từ Trường ĐH Bách khoa TP HCM. Đây là vấn đề cần xem xét và có lộ trình, chuyển giao cái gì, mức độ nào.
Lo lắng mất thế cạnh tranh
Bờ Biển Ngà là quốc gia trồng điều và xuất khẩu điều thô khá lớn, họ đã tăng cường đầu tư cho chiến lược phát triển điều và mục tiêu chế biến điều tại Bờ Biển Ngà, cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam và Ấn Độ. Họ tăng cường hợp tác với Việt Nam để được nhận chuyển giao công nghệ, máy móc chế biến điều. Ông Nguyễn Văn Lãng, nguyên Phó Chủ tịch Vinacas, cho biết công nghệ chế biến hạt điều Việt Nam đã góp phần vào sự thành công của ngành điều trong nước. Từ chỗ xuất hạt điều thô giá trị thấp, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia chế biến nhân điều và xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới.
Máy cắt tách vỏ hạt điều “made in Vietnam”
Không ít doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều của Việt Nam lo lắng khi đã nắm được công nghệ chế biến có thể các đối tác châu Phi sẽ hạn chế việc bán điều thô cho Việt Nam. Các nước châu Phi như Bờ Biển Ngà, Ghana, Benin, Guinea Bissau, Mozambique đang bảo hộ sản xuất trong nước, hạn chế xuất khẩu điều thô ra nước ngoài, tập trung mục tiêu chế biến trong nước. Đây là nguyên nhân làm cho các nhà xuất khẩu tăng giá thành, chậm xếp hàng, làm thị trường khan hiếm giả tạo, gây thiệt hại cho doanh nghiệp điều Việt Nam.
Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến từ giới chuyên môn cho rằng thời buổi hội nhập, công nghệ không thiếu. Nếu Việt Nam không chuyển giao công nghệ chế biến điều cho Bờ Biển Ngà thì nước này cũng sẽ tìm đối tác từ các nước khác, nhất là công nghệ giá rẻ từ Trung Quốc.
Chuyển giao có điều kiện
Trước thực trạng trên, Vinacas nhận được Công văn số 275/CB-NS ngày 14-4-2016 của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) về việc chuyển giao công nghệ, máy móc chế biến điều cho các nước châu Phi. Vinacas cũng đã có công văn trả lời Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, khẳng định công nghệ chế biến điều là của quốc gia và do Vinacas là chủ sở hữu.
Vinacas cũng đã tổ chức hội nghị bàn về chuyển giao công nghệ chế biến điều cho châu Phi với sự tham dự của một số bộ ngành, địa phương có trồng, chế biến xuất khẩu điều, các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, đại diện của Hội đồng Bông và điều Bờ Biển Ngà và đại diện của Trường ĐH Bách khoa TP HCM. Theo đó, hội nghị đã thống nhất việc hợp tác sản xuất kinh doanh điều, trong đó có vấn đề chuyển giao công nghệ sẽ được ký kết giữa Bộ NN-PTNT 2 nước Việt Nam và Bờ Biển Ngà. Về phía Việt Nam, Vinacas có trách nhiệm dự thảo đề án hợp tác trình 2 Bộ NN-PTNT 2 nước xem xét ký kết và tổ chức thực hiện.
Hội nghị cũng đã thống nhất trong xu thế hội nhập hiện nay, việc hợp tác giữa ngành điều 2 nước là tất yếu nhưng phải có lộ trình phù hợp và hợp tác trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ chế biến điều là phải có điều kiện. Vinacas đề nghị việc chuyển giao công nghệ chế biến điều giữa Việt Nam ra các nước khác sẽ do Vinacas thực hiện vì như trên đã nói, công nghệ chế biến điều Việt Nam hiện nay do Vinacas là chủ sở hữu về mặt luật pháp và lịch sử hình thành, phát triển công nghệ chế biến điều.
Vinacas đề nghị Trường ĐH Bách khoa TP HCM cho dừng chương trình hợp tác, chuyển giao công nghệ chế biến điều ký giữa Hội đồng Bông và điều Bờ Biển Ngà và Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp thuộc trường quản lý vì đây là lợi ích quốc gia, vì sự phát triển bền vững của ngành điều Việt Nam.