Theo khảo sát của các trang web việc làm, 76% nhà tuyển dụng (NTD) ưu tiên chọn đọc những hồ sơ có đính kèm thư tìm việc - con số này chính là bằng chứng tốt nhất cho ý nghĩa và tầm quan trọng của một bức thư tìm việc.
Hãy là người bán hàng khôn ngoan
Hầu hết mọi người quan niệm rằng: Thư tìm việc của các ứng viên đều giống nhau và NTD sẽ không mấy quan tâm đến lá thư này. Quan niệm sai lầm này khiến không ít ứng viên bỏ qua bước viết thư tìm việc để gửi thẳng hồ sơ kinh nghiệm của mình đến NTD. Trong quá trình tìm việc, hãy luôn ghi nhớ NTD là khách, còn bạn là người bán hàng, người bán hàng khôn ngoan là người không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để giới thiệu về món hàng mà họ đang có với những khách hàng tiềm năng. Trong trường hợp này, thư tìm việc là cơ hội để chứng tỏ bạn chính là “mặt hàng” phù hợp nhất với nhu cầu của NTD. Với NTD, trước khi biết về kinh nghiệm làm việc và khả năng thích ứng của ứng viên, họ muốn biết “duyên cớ” nào và vì sao ứng viên lại muốn ứng tuyển vào công ty của họ. Thư tìm việc sẽ cho NTD câu trả lời cần thiết để đưa ra quyết định có mời ứng viên đó vào vòng phỏng vấn hay không.
Khi viết thư, ứng viên cần đọc kỹ thông tin trước khi gửi cho nhà tuyển dụng
Viết đầy đủ 3 phần
Như những bài học trên ghế nhà trường, thư tìm việc trước hết chính là một bức thư gồm 3 phần với người viết là bạn và người nhận là NTD. Cấu trúc của thư tìm việc gồm 3 phần: Giới thiệu, thân bài và phần kết. Ở phần giới thiệu, bạn nên viết vắn tắt về bạn và những giá trị mà bạn có thể mang đến cho công ty. Ở phần thân bài, bạn cần trình bày kỹ năng, kinh nghiệm, học vấn cũng như thành tích của mình. Riêng phần kết, bạn cần bày tỏ mong muốn chân thật và tâm huyết của bạn được làm việc với công ty.
Tạo sự khác biệt
Chắc bạn còn nhớ, với núi hồ sơ ứng tuyển, cách NTD sàng lọc ứng viên chính là dành khoảng 15 giây cho một bộ hồ sơ. Vì vậy, đừng làm mất thời gian của NTD bằng một bài văn dài 8 trang nhưng lại không có trọng tâm, ngược lại, hãy làm NTD chú ý ngay từ những dòng đầu tiên bạn viết trong thư tìm việc.
Bạn nên đặt mình vào vị trí của NTD, nếu đã đọc 99 bức thư với dòng mở đầu tương tự nhau và ở bức thứ 100, bạn phát hiện ra một ứng viên có cách thể hiện hoàn toàn khác, hẳn không khó để biết “phần thưởng” dành cho ứng viên 100 này là gì. Muốn được như vậy, hãy tạo ra cho bản thân một bức thư tìm việc mang dấu ấn riêng.
Bạn nên nêu rõ tên của người phụ trách tuyển dụng. Với những trường hợp không có thông tin, hãy dành một chút thời gian để tìm hiểu (bạn có thể gọi điện đến công ty đăng tuyển để hỏi tên người hoặc bộ phận phụ trách tuyển dụng). Mở đầu thư tìm việc bằng “Thưa ông X” hoặc “Thưa bà Y” thay vì “Thưa ông/bà” chung chung vừa tạo được sự gần gũi giữa ứng viên với NTD vừa thể hiện bạn là ứng viên chuyên nghiệp, có sự quan tâm và đầu tư tìm hiểu về công ty đang ứng tuyển.
Trong phần chính của thư tìm việc, bạn chỉ nên trình bày những kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu của vị trí ứng tuyển. Bạn nên nhấn mạnh đam mê của mình đối với công việc và công ty.
Đừng bao giờ đề cập “lý do tài chính” trong thư tìm việc cho dù đó có là sự thật, thay vào đó, khéo léo bày tỏ niềm đam mê đối với công việc và các cơ hội mà công ty sẽ mang đến cho bạn là cách tốt để ghi điểm với NTD. Để kết thúc thư tìm việc, hãy thể hiện sự sẵn sàng của bạn bằng cách viết: “Tôi rất mong được gặp ông/bà để chúng ta có thể trao đổi thêm về sự phù hợp giữa kinh nghiệm của tôi với những yêu cầu của quý công ty dành cho vị trí này. Ông/bà có thể liên lạc với tôi bất cứ lúc nào theo số điện thoại 090 xxx yyy hoặc email: xxxyyy@gmail.com”.
Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng