Thời điểm tháng 10, tháng 11, giá nho “sát đáy” chỉ có 5.000-7.000 đồng/kg, đến nay đã nhích lên trên 10.000 đồng/kg loại nho rút, mức giá thấp nhất kể từ năm 2014 đến nay. Với giá này, hộ trồng nho lỗ là cái chắc, tuy nhiên không đến mức điêu đứng như nhiều người lầm tưởng.
Anh Nguyễn Văn Thành, người trồng nho lâu năm ở thôn Từ Tâm 1 (xã Phước Hải, Ninh Phước), cho biết: Đa phần các hộ trồng nho “thất bát” trong vụ này đều là do sản xuất nhỏ lẻ, làm trái vụ, có chung tâm lý là thử “đánh cược với trời”. Với kiểu làm ăn này, đành phải chấp nhận “may nhờ rủi chịu”. Trước đây, tôi cũng từng “ép” nho thu hoạch trái vụ, có khi thu được bộn tiền nhưng năm nay 1 sào sắp thu hoạch gặp mưa, trái bị cầm màu, cả giàn không tìm được 1 chùm nho rút.
Nông dân xã Xuân Hải (Ninh Hải) trồng nho xanh theo quy trình VietGAP cho thu nhập cao.
Nhìn lại các hộ trồng nho “lỗ” vụ này đều có điểm chung là thiếu thông tin về thị trường, không liên kết sản xuất, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Anh Đỗ Văn Bình làm nghề thu mua nho tại vườn, nhập cho các đầu mối trái cây, cho biết: Như một điệp khúc, cứ hễ hàng nông sản rớt giá là mọi người nghĩ đến chuyện “cung vượt cầu”, bị thương lái ép giá, nhưng thực chất ngược lại.
Xu thế chung của các hộ trồng nho là “căn” cho nho ra trái đúng vào dịp Tết Nguyên đán, số ít còn lại làm trái vụ sản lượng thấp, thương lái có “vét sạch” các giàn nho cũng không đủ lượng đưa ra ngoài tỉnh tiêu thụ. Nho trái vụ chất lượng thấp, chỉ tiêu thụ trong tỉnh, đó là nguyên nhân chính làm cho nho mất giá.
Ông Nguyễn Tin, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho hay: Lâu nay cứ mỗi khi nho rớt giá là rộ lên tin đồn nông dân “chặt nho, trồng táo”, nhưng thực chất vấn đề không phải vậy. Nhìn lại tình hình sản xuất nho từ trước đến nay, có thể khẳng định đây là loại cây trồng đặc thù của tỉnh.
Với diện tích hơn 1.000ha, sản lượng nho thu được vẫn chưa đáp ứng đủ thị trường tiêu thụ trong nước. Ngành Nông nghiệp đang kỳ vọng đến năm 2020 tăng diện tích lên 2.000ha, nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa dồi dào phục vụ thị trường.
Tuy vậy, việc nho rớt giá đã bộc lộ những hạn chế cần được khắc phục, nhất là sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào thời vụ, nên sản phẩm cung cấp ra thị trường thiếu tính liên tục. Ông Lê Văn Nguyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần tiếp cận với các doanh nghiệp bán lẻ ở TP HCM, Hà Nội, bàn về hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nho Ninh Thuận nhưng yêu cầu của đối tác là hàng hóa phải được cung cấp thường xuyên với khối lượng ổn định, điều này hộ trồng nho chưa đáp ứng được”.
Cũng theo ông Lê Văn Nguyên, để hướng đến sản xuất nho bền vững, ngay từ bây giờ phải có kế hoạch xây dựng vùng trồng nho tập trung, ứng dụng công nghệ cao để nho cho trái quanh năm, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút các thành phần tham gia trồng nho theo chuỗi giá trị, vấn đề còn lại là nông dân đã sẵn sàng đón nhận cơ hội mới này chưa? Hộ trồng nho không thể cứ giữ lối sản xuất cũ, với suy nghĩ đơn thuần “có lúc lỗ, có lúc lãi”, mà phải thay đổi tư duy, liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Giá trị vượt trội của sản phẩm nông sản sạch đã được chứng minh, trên thực tế ở thời điểm nhiều nhà vườn xả giàn, bán tháo, thì nho thương hiệu Ba Mọi vẫn giữ được giá bình ổn: 35.000 đồng/kg nho đỏ, 70.000 đồng/kg nho xanh. Rõ ràng, chỉ có nông dân bước qua “rào cản” kỹ thuật thì mới tránh được rủi ro về giá cả.
Ông Nguyễn Phi Long, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, gợi mở: Nho Ba Mọi là thương hiệu chung của tỉnh, không của riêng ai, bất cứ hộ trồng nho nào canh tác đúng theo tiêu chuẩn VietGAP đều được ngành chức năng cấp nhãn hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm, khả năng cạnh tranh trên thị trường.