Trước khi gắn bó với nghề bánh tráng, chị Linh trồng nấm xuất khẩu sang Pháp. Thấy khách hàng ngoài nấm còn muốn nhập thêm bánh tráng, chị tìm hiểu thị trường, lên Củ Chi thu mua để xuất kèm cho khách. “Không ngờ cái nghề tay trái lại thành tay phải rồi dần dần trở thành nghề chính và duy nhất của tôi bây giờ” - chị Linh tâm sự.
Những ngày này trời Sài Gòn lạnh và ít nắng nên việc sản xuất bánh tráng của chị Linh bị ảnh hưởng khá nhiều. Tuy nhiên, nhờ hơn nửa năm nay chị đã chuyển liếp phơi bánh bằng tre sang loại bằng nhựa nên bánh mau khô hơn, vẫn đảm bảo sản lượng. Vào những ngày nắng đẹp, cơ sở của chị có thể sản xuất lượng bánh tráng làm từ khoảng một tấn bột nguyên liệu.
Loại bột mà chị dùng để làm bánh được chế biến từ gạo IR50404 hay Hàm Châu. Hai loại gạo này bán ngoài thị trường người tiêu dùng ít mua ăn vì chất lượng không ngon, giá khoảng 8 - 9 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, nó có đặc điểm là lượng tinh bột trong hạt gạo rất cao, nếu đem chế biến thành bột để làm bánh thì có lợi hơn những loại gạo khác.
Theo chị Linh, 1 tấn gạo có thể làm ra 900 kg bánh thô. Sau quá trình dập khuôn, chọn lựa từng cái bánh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, sản phẩm cuối cùng còn khoảng 500 kg. Những cái bánh không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được tiêu thụ trong nước, phụ phẩm là rìa bánh được cắt gọn lại bán cho những người bán bánh tráng trộn...
Giá 1 tấn bánh xuất khẩu trung bình khoảng 40 triệu đồng. Tính ra, sau khi chế biến, giá trị 1 tấn gạo có thể tăng 3 - 4 lần. Hiện chị đang tạo công ăn việc làm cho 20 lao động với mức lương từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng, bao cả ăn ở.
Chị Linh cho biết trung bình mỗi tháng chị xuất đi Pháp từ 12 - 15 tấn bánh tráng, đạt giá trị khoảng 500 triệu đồng. “Khách hàng nói bánh tráng của mình qua bên đó người ta rất thích vì nó thơm và dai, dùng để làm chả giò ăn rất ngon” - chị Linh kể. Sản phẩm xuất khẩu giá cao hơn gấp 2 đến 3 lần so với giá bán ở thị trường trong nước nên đòi hỏi chất lượng và hình thức cao hơn rất nhiều.
Muốn có thương hiệu riêng
Chị Linh bắt đầu với nghề làm bánh tráng từ năm 1998. Thời điểm đó chỉ làm thủ công nên năng suất không cao. Năm 2003, chị quyết định đầu tư máy tráng bánh để nâng cao năng suất. Chị Linh cho biết: "Nghề này cực lắm, đúng nghĩa một nắng hai sương, dầm mưa dãi nắng. Khổ nhất là phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Vào những tháng mưa có khi không làm được hoặc làm xong cũng bị hư, không đạt chất lượng phải bỏ hết. Chính vì vậy mà sau đó tôi đã thử nghiệm sử dụng sấy, nhưng đến nay vẫn không thành công. Nếu có được máy sấy nữa sẽ ổn định được sản xuất".
Tiếng bánh khô tróc khỏi liếp kêu tanh tách bên tai khi chúng tôi đi tham quan một vòng cơ sở sản xuất. Chị Linh bảo người làm bánh nghe tiếng này là mừng lắm, vì biết bánh phơi được nắng, chắc chắn rất ngon.
"Loại bánh của tôi làm có màu trắng ngà vì không dùng chất tẩy, chỉ có bột và ít muối nên bánh có vị hơi mặn mà hậu chua nhẹ. Đây là loại bánh đúng kiểu truyền thống. Trên thị trường hiện nay có người làm bằng bột mì thì không có cái vị chua này. Chúng tôi cũng rất chú trọng khâu an toàn vệ sinh thực phẩm vì đây là hàng xuất khẩu đi châu Âu, một trong những thị trường rất khó tính"- chị Linh nói và cho biết hiện chị đang nhờ Hội Nông dân thành phố hỗ trợ xây dựng thương hiệu riêng, mở rộng thị trường xuất khẩu.