Theo anh Dũng, xà lách xoong là loại rau phổ biến khắp vùng miền cả nước và được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, trong nông nghiệp rau xà lách xoong chưa có khái niệm sạch vì chúng được canh tác ở những đầm lầy, bãi sình. Các bà nội trợ khi mua bó xà lách xoong về phải nhặt bỏ đến 50% và phải rửa thật kỹ, ngâm nước muối trước khi chế biến.
Khi bước vào lĩnh vực trồng rau thuỷ canh theo công nghệ châu Âu, Tô Quang Dũng nhận thấy các vườn rau thuỷ canh ở Đà Lạt đã sở hữu 20 loại rau xà lách và nguồn giống đều có xuất xứ từ Hà Lan, nhưng lại không có giống xà lách xoong.
Để tìm cái mới cho riêng mình, anh Dũng dành 50m2 đất trong nhà kính được đầu tư đầy đủ thiết bị để trồng xà lách xoong thủy canh. Ban đầu anh ra chợ mua những bó xà lách xoong tươi nhất mang về cắt phần thân khoẻ mạnh cấy vào ly nhựa có ít giá thể và cho lên giàn canh tác theo qui trình thuỷ canh như 20 loại xà lách giống nhập từ Hà Lan đã có trong vườn của mình. Kết qua không như mong muốn vì nhiều thân bị thối, số sống được cho sản lượng không đáng kể và nấm bệnh nhiều, trong khi qui trình canh tác thuỷ canh không cho phép phun xịt các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Không nản lòng, anh Dũng miệt mài vào các trang mạng tìm thông tin về cây xà lách xoong trồng thuỷ canh ở nước ngoài. Tình cờ, năm trước anh có việc đi nước ngoài và tìm được nguồn giống xà lách xoong của Italy. Khi đưa vào canh tác thử nghiệm, xà lách xoong giống này phát triển rất tốt, chỉ có chế độ hoà phân trong nước có khác đôi chút với dòng xà lách Hà Lan. Cách đây 6 tháng, chủ trang trại này mạnh dạn đưa 1.000m2 trong tổng số 5.000m2 đang canh tác rau thuỷ canh sang trồng xà lách xoong. Kết quả là sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường, mỗi ngày vườn xà lách xoong của anh Dũng thu hoạch 100kg với giá bán tại trang trại là 35.000 đồng một kg, nhỉnh hơn giá các loại xà lách Hà Lan, trong khi sản lượng ngang bằng. Hiện xà lách xoong giống Italy của anh Dũng được các nhà hàng, cửa hàng rau sạch Đà Lạt tiêu thụ 50 kg một ngày, số còn lại gửi đi các hệ thống siêu thị. Từ 6 tháng nay, doanh thu của 1.000m2 xà lách xoong đều đặn cho doanh thu 100 triệu đồng mỗi tháng.
Theo anh Dũng, nếu một đợt trồng xà lách các loại giống Hà Lan mất 30 ngày, mật độ trồng 21.000 cây trên 1.000m2, và giống tính bằng từng hạt tốn trên 7 triệu đồng, thì hạt giống xà lách xoong lại nhỏ li ti và được tính theo gram nên rất lợi và giá cũng rẻ hơn nhiều. Theo qui trình, sau mỗi đợt trồng xà lách thuỷ canh thông thường, nhà vườn phải bỏ hết giá thể trong ly, vệ sinh ly nhựa trồng cây và máng dẫn nước, sau đó lại tiếp tục cho giá thể vào ly để trồng đợt mới. Riêng với cây xà lách xoong, đợt gieo hạt đầu tiên mỗi ly nhựa có cả chục cây con trong đó, bởi hạt giống quá nhỏ không thể rắc từng hạt vào ly.
Để cây xà lách xoong phát triển cao khoảng 3cm thì nhân công bắt đầu công đoạn tách bớt cây giống qua các ly nhựa khác, mật độ mỗi ly khoảng 5-6 cây. Sau 30 ngày, xà lách xoong đạt chiều cao 30cm là có thể thu hoạch. Ngoài yếu tố sạch thì xà lách xoong thuỷ canh rất bắt mắt do xanh đều từ gốc tới ngọn, không phải nhặt bỏ lá hư, thân mềm và dòn. Sau mỗi lần thu hoạch, các mầm non mới phát triển rất nhanh nên sau 20 ngày lại tiếp tục cắt đợt 2 và liên tục như thế đến hết đợt thứ tư mới phải thay giống.
"Xà lách xoong sau 90 ngày mới phải thay hạt giống và giá thể cũng như vệ sinh ly nhựa, máng nước. Trong khi cùng thời gian thì các giống xà lách Hà Lan đã phải đầu tư 3 lần giống cùng các qui trình khác", anh Dũng so sánh.
Ngoài thị trường trong nước, sau Tết Nguyên đán, trang trại rau thuỷ canh của Tô Quang Dũng đã xuất thử hơn 5 tấn sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc bằng đường tàu biển, trong đó có mặt hàng xà lách xoong. Hiện anh đang chờ thông tin phản hồi vì sau 18 ngày rau mới có thể vào các siêu thị Hàn Quốc. Dũng cho biết nếu được thị trường chấp nhận, sắp tới anh sẽ chuyển diện tích trồng nhiều hơn qua xà lách xoong và sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật, nguồn giống cho những người khác để có đủ sản phẩm cung ứng cho thị trường.