Thời hoàng kim
Cách đây 3 - 4 năm, trên địa bàn H.Kon Plông rộ lên phong trào nuôi cá tầm. Đi đầu nuôi cá tầm là Công ty CP thủy sản Măng Đen, tiếp đến là Công ty CP Hoàng Ngư; sau đó có thêm 4 hợp tác xã (HTX) nuôi cá tầm tại các xã Pờ Ê, xã Hiếu, Đăk Long, Măng Cành và nhiều khu nuôi cá cá tầm, hằng năm cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn cá. Tất cả đều đầu tư tốn kém hàng tỉ đồng với quy mô bài bản và tốn rất nhiều công sức.
Thời đó, cá tầm Kon Plông được xuất bán đi không chỉ ở Kon Tum mà còn vươn ra các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, giá bán cũng mang lại nhiều lợi nhuận cho người nuôi: 500.000 - 600.000 đồng/kg. Ẩm thực cá tầm xuất hiện rầm rộ tại các nhà hàng trên địa bàn huyện, tỉnh và các tỉnh trong khu vực. Tổ chức Kỷ lục châu Á, Tổ chức Kỷ lục VN và Hội Kỷ lục gia VN đã xác lập kỷ lục đặc sản và món ăn nổi tiếng cho cá tầm Măng Đen.
Ông Nguyễn Văn Sơn, HTX cá tầm xã Hiếu, nói đó là thời hoàng kim nhất của cá tầm Măng Đen. H.Kon Plông cũng đã ban hành đề án phát triển mô hình hợp tác xã nuôi cá tầm, cá hồi trên địa bàn, xem đó là ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực; phấn đấu đến năm 2015 sản lượng cá tầm, cá hồi đạt 500 tấn, đến năm 2020 đạt 1.000 tấn.
Nuôi cầm chừng, bán lẻ từng ký
HTX cá tầm xã Hiếu là nơi chúng tôi từng chứng kiến hàng nghìn con cá tầm được nuôi, vậy mà giờ đây cơ sở có quy mô hoành tráng với tài sản hàng tỉ đồng đang bỏ hoang, hàng loạt hồ nuôi, cỏ lên cao ngút; bao nhiêu vật dụng, bể chứa phục vụ việc nuôi cá tầm để rêu lên xanh rì.
Ông Sơn dẫn chúng tôi đến căn nhà khép kín được đầu tư bài bản với số tiền hàng tỉ đồng để ấp trứng, nuôi cá tầm. "Nhà này cũng bỏ hoang. Hiện chỉ còn 2 hồ nuôi khoảng vài trăm con để giữ giống", ông Sơn lắc đầu và kể nhà ông ở Thủ Đức (TP.HCM), vì đi theo "tiếng gọi cá tầm" mà lên đây nuôi cá nhưng giờ “cá tầm phải nuôi cầm chừng thôi”.
Đến Công ty Hoàng Ngư, đơn vị hiện còn duy trì nhiều nhất lượng cá tầm trên địa bàn xã Măng Cành, việc nuôi cá tầm cũng không khá gì hơn. Chủ công ty là ông Trần Nhi Kha (57 tuổi), vốn là Việt kiều Nhật, cho biết hiện đơn vị có cả chục hồ nuôi, nhưng chỉ duy trì được vài hồ và khu cá giống. Hôm ở đây, chúng tôi còn chứng kiến ông Kha bán từng ký cá tầm lẻ cho khách mua, với giá 270.000 đồng/kg.
Chưa có giải pháp
Theo UBND H.Kon Plông, thời điểm cao nhất địa phương có 2 công ty và 4 HTX nuôi cá tầm. Đến nay, các HTX nuôi cá tầm và các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ nên không tiếp tục nuôi, bỏ hoang hồ, ao. Cả huyện chỉ còn 3 đơn vị nuôi cá tầm, một phần để giữ thương hiệu, phục vụ nhu cầu thưởng thức món ăn cá tầm cho khách du lịch đến với Kon Plông.
Nguyên nhân cá tầm "chết đứng chết ngồi" là cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc tràn vào thị trường với giá rẻ hơn nhiều, đẩy giá cá tầm của Kon Plông từ 500.000 - 600.000 đồng/kg nay chỉ còn 250.000 -300.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi lãi rất thấp, thậm chí không có lãi, trong khi đầu ra sản phẩm lại gặp nhiều khó khăn. Từ đó, mô hình nuôi cá tầm ở Kon Plông trở nên bấp bênh.
Phó chủ tịch UBND huyện Kon Plông Đặng Thanh Nam cho rằng để cá tầm Măng Đen phát triển thì phải tìm được đầu ra cho sản phẩm và giá thành. Nhưng bài toán này vẫn chưa có lời giải.