Song đến nay, thị phần của Colusa Miliket chỉ còn vỏn vẹn 4% và bị tụt xa so với các đối thủ mới ra đời.
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa phát thông báo cho biết đầu tuần tới (ngày 10-7), 4,8 triệu cổ phiếu CMN của Công ty CP Lương thực thực phẩm Colusa – Miliket sẽ chính niêm yết trên HNX với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 25.800 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, mặc dù có mức giá không rẻ nhưng với khối lượng cổ phiếu niêm yết khiêm tốn nên vốn hóa thị trường của Colusa – Miliket ngày chào sàn ước tính chỉ đạt khoảng 124 tỉ đồng.
Mì ăn liền Miliket với thương hiệu gắn với "huyền thoại 2 tôm"
Quá khứ vàng son
Đây là một trong những doanh nghiệp lâu đời nhất ở Việt Nam hiện nay. Tiền thân Công ty Lương thực thực phẩm Colusa-Miliket là hai xí nghiệp: Xí nghiệp chế biến lương thực thực phẩm Colusa và Xí nghiệp lương thực thực phẩm Miliket.
Trong đó, Xí nghiệp Chế biến lương thực thực phẩm Colusa thành lập năm 1972 với tên gọi “Công ty Sản xuất chế biến mì ăn liền Safoco – Sài Gòn thực phẩm”. Sau ngày Miền Nam giải phóng, công ty được giao cho Công ty Lương thực TP HCM trực thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) quản lý với tên gọi Xí nghiệp Chế biến lương thực thực thẩm Colusa.
Còn Xí nghiệp Lương thực thực phẩm Miliket năm 1995 được sáp nhập từ hai cửa hàng Lương thực Thủ Đức và Lương thực Quận 5 (có từ năm 1985) thành Xí nghiệp Lương thực thực phẩm Miliket.
Đến tháng 4/2004, để thực hiện việc cổ phần hóa, Vinafood 2 đã sáp nhập Xí nghiệp Chế biến lương thực thực phẩm Colusa và Xí nghiệp lương thực thực phẩm Miliket thành một và thống nhất lấy tên “Xí nghiệp Chế biến lương thực thực phẩm Colusa - Miliket”.
Sau khi thực hiện cổ phần hóa và chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hồi tháng 8/2006, cho đến nay, đã 11 năm trôi qua, công ty này vẫn giữ vốn điều lệ 48 tỷ đồng.
Nhãn hiệu mì ăn liền Colusa – Miliket từng “làm mưa làm gió” thị trường với gói mì giấy kraft và hình ảnh hai con tôm. Thậm chí, một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam đến nay vẫn giữ thói quen gọi mì ăn liền là “mì tôm” với hình ảnh hai con tôm của hãng này.
Với chỉ một vài sản phẩm mì ăn liền truyền thống từ thủa ban đầu, đến nay sản phẩm Colusa – Miliket đã được phát triển đa dạng hóa bao gồm trên 60 mặt hàng thực phẩm chế biến các loại.
Thương hiệu 40 năm chỉ giữ được 4% thị phần
Tuy nhiên, việc phát triển thương hiệu đã khó nhưng giữ được thương hiệu, thị phần càng khó hơn. Mặc dù thương hiệu đã phát triển hơn 40 năm và từng thống lĩnh thị trường, song đến nay, thị phần của Colusa Miliket chỉ còn vỏn vẹn 4% trong khi thị phần của những đối thủ cạnh tranh khác như Acecook là 40%, Asiafood là 15%, Masan là 15% và các doanh nghiệp còn lại 26%.
Nguyên nhân yếu kém mà bản thân doanh nghiệp này nhận thức được đó là do chưa làm truyền thông tốt và chưa phát triển được hết tiềm năng dòng sản phẩm giấy bóng kính.
Trong năm vừa qua, mặc dù tổng giá trị tài sản của Colusa-Miliket đã tăng 6,2% so với 2015, đạt gần 197 tỉ đồng, song kết quả kinh doanh lại sụt giảm: doanh thu thuần giảm 3,82% đạt 459 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế giảm 38,2% đạt hơn 25 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 36,76% còn xấp xỉ 20 tỉ đồng.
Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu mặc dù giảm nhẹ 0,12% song vẫn đạt khá cao, ở mức 25.827 đồng/cổ phiếu.
Đây là một năm mà theo đánh giá của ban lãnh đạo Colusa Miliket là “đầy khó khăn” giữa bối cảnh mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành ngày càng gay gắt.
Với sự xuất hiện của ngày càng nhiều các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh và mọi nỗ lực của các thương hiệu lớn nhằm mở rộng thị phần trên thị trường vốn đã bão hòa đã khiến cho hoạt động tiêu thụ các sản phẩm đầu ra của Colusa – Miliket ngày càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra và các kênh phân phối cũ hoạt động không hiệu quả đã khiến cho lượng hàng tồn kho trong năm của công ty này tiếp tục tăng.
Hiện tại, trong cơ cấu cổ đông của Colusa-Miliket có 4 cổ đông lớn, với 3 cổ đông tổ chức là Vinafood 2 (nắm 30,72% vốn), Vinataba (nắm 20% vốn), Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Mesa (20,08%) và 1 cổ đông cá nhân là ông Trịnh Việt Dũng (nắm 9,71%).