Sau nhiều năm theo đuổi giấc mơ sản xuất ô tô mang thương hiệu “made in Viet Nam” nhưng không thành, ông Bùi Ngọc Huyên, Giám đốc Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), vừa gửi đơn kêu cứu Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành. Qua thư, ông Huyên mong được tái cơ cấu vốn, được vay vài trăm tỉ đồng vốn lưu động để sản xuất, nhằm tiếp tục đeo đuổi giấc mơ còn dang dở và đảm bảo việc làm cho công nhân.
Giá rẻ chưa chắc đã mua
Giám đốc Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên đã chia sẻ rằng trong năm năm qua, Vinaxuki đã chạy khắp các nơi xin vay vốn mà không được, mặc dù công ty có đầy đủ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền máy móc công nghệ cao. Không chỉ vậy, công ty còn sản xuất được phụ tùng ô tô cốt lõi bằng công nghệ cao, nhất là sản xuất được các mẫu xe ưu tiên với mức nội địa hóa lên đến trên 40%-50% với giá rẻ hơn xe nhập ngoại rất nhiều.
Tuy nhiên, do không vay được vốn lưu động khiến các kế hoạch sản xuất kinh doanh của Vinaxuki bị đổ vỡ, không trả được nợ. Hiện tại một số nhà máy của công ty đã tạm ngừng hoạt động, dự kiến công ty phải bán nhà máy để trả nợ.
PGS-TS Phạm Xuân Mai, chuyên gia ngành cơ khí ô tô, cho rằng một trong những nguyên nhân khiến Vinaxuki thất bại có thể là do “đi quá nhanh, quá sức” trong khi thị trường tiêu thụ ô tô Việt Nam còn nhỏ so với các nước trong khu vực và thế giới. Hơn nữa muốn sản xuất ô tô cạnh tranh được với các hãng ô tô hiện nay thì đầu ra phải đạt cả trăm ngàn xe mỗi năm vì chi phí đầu tư của ngành ô tô rất lớn.
“Các hãng ô tô nước ngoài đang có nhà máy đặt tại Việt Nam, Thái Lan hay Indonesia sản xuất hàng trăm ngàn chiếc mỗi năm, vừa bán trong nước vừa xuất khẩu. Trong khi Vinaxuki nguồn vốn hạn chế, chưa làm xong xe đã cạn tiền, đổ nợ là chuyện bình thường” - ông Mai phân tích.
Ông Nguyễn Quang, chủ một diễn đàn mua bán xe thì cho rằng ở phương diện khách hàng, nếu Vinaxuki hay một công ty Việt Nam làm ra được một chiếc ô tô “made in Viet Nam” thì chưa chắc đã có người mua. Vì ô tô là sản phẩm đòi hỏi độ an toàn rất cao, tính thẩm mỹ, hiện đại và những tiện ích đi kèm. Hơn nữa người tiêu dùng lâu nay ưa chuộng xe Nhật, Mỹ, Đức, Hàn.
“Đó là chưa kể hệ thống dịch vụ hậu mãi, xưởng bảo dưỡng, cung cấp phụ tùng của Vinaxuki vẫn chưa hoàn chỉnh” - ông Quang nói.
Vẫn còn chút hy vọng
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Trưởng phòng Chiến lược và Chính sách hội nhập Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, đánh giá một số công ty ô tô Việt chỉ mới sản xuất được gương, kính, ghế, các thiết bị nhựa, dây điện. Nhưng ngay cả phụ tùng, linh kiện vẫn phải nhập khẩu rất nhiều. Nguyên nhân là do công nghiệp phụ trợ của Việt Nam kém phát triển dẫn đến nhiều chi phí sản xuất cao hơn nhiều so với một số quốc gia khác trong khu vực.
Tuy vậy, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nói việc Vinaxuki kêu cứu không thể nói cả ngành ô tô Việt Nam thất bại. Bởi hiện nay một số công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã tăng được tỉ lệ nội địa hóa, tăng doanh thu khi thị trường tiêu thụ tăng trưởng mạnh.
Nhưng một số chuyên gia cho hay để nuôi giấc mơ ngành công nghiệp ô tô thì cần chú trọng đầu tư công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô; công nghệ mới thân thiện môi trường như ô tô điện.
“Ở thời điểm hiện tại các công ty trong nước nên làm tốt khâu lắp ráp, gia công cho các công ty đầu tư nước ngoài bằng hình thức liên doanh liên kết. Song song đó cần làm từ từ những bộ phận ô tô mà Việt Nam có thể sản xuất được với giá thành thấp” - PGS Phạm Xuân Mai gợi ý.
“Tôi vẫn theo đuổi giấc mơ ô tô Việt”
Giám đốc Vinaxuki Bùi Văn Huyên chia sẻ: “Tôi đã làm ra được một xe tám chỗ, hai xe năm chỗ, đã chạy thử và định sản xuất nhưng lại bị ngân hàng cắt vốn lưu động không cho vay vốn”.
Ông cũng cho biết đã đổ không biết bao nhiêu tiền vào đam mê sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt. Đến nay ông đã bán một căn nhà được bố cho từ năm 1960. Căn nhà thứ hai của ông tại Láng Hạ, Hà Nội cũng bị bán. Nhà của con gái, của cháu ngoại cũng bán hết để lấy tiền trả nợ cho ngân hàng. “Tôi chỉ thương anh em, nhất là mấy chị em gần đây liên tục gọi kể thất nghiệp, không có việc làm, không có tiền đóng học cho con…”.
Hiện nay nhiều người nói niềm tin vào giấc mơ ô tô Việt Nam đã tàn lụi nhưng ông Huyên vẫn chưa tắt say mê của mình. “Quan trọng tôi là người dân Việt Nam, tôi cần tiền làm xe thương hiệu Việt chứ không cần tiền để sống. Tôi vẫn theo đuổi giấc mơ ô tô Việt Nam. Tôi khẳng định người Việt hoàn toàn đủ tài năng và trí tuệ làm ô tô”.
Nhiều dòng ô tô từ Nga hưởng thuế 0%
Thuế suất nhiều dòng ô tô của Nga sẽ được áp dụng 0% theo hạn ngạch từ ngày 5-10 tới đây. Mức nhập khẩu sẽ được quy định theo hạn ngạch cho từng năm. Cụ thể, năm 2016 là 800 xe, năm 2017 có 850 xe, năm 2018 là 900 xe. Như vậy, trong ba năm đầu tiên sẽ có gần 3.000 ô tô từ Nga về Việt Nam được hưởng thuế suất 0%.
Ngoài ra, Việt Nam còn cấp hạn ngạch cho phép các liên doanh nhập khẩu 13.500 linh kiện xe với thuế suất 0% trong năm năm.