Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy của Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt cho thuê đất đầu tư tại Cụm công nghiệp Song Lộc (trên diện tích đất của 2 xã Đại Lộc và Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc).
Dự án có tổng mức đầu tư 1.360 tỉ đồng, diện tích đất sử dụng 92,3 ha. Mục tiêu của nhà máy là sản xuất, lắp ráp ôtô tải có tải trọng từ 0,5 tấn đến 45 tấn, ôtô buýt từ 16 chỗ ngồi đến 100 chỗ ngồi; sản xuất phụ tùng ôtô các loại. Khi đi vào hoạt động, nhà máy dự kiến tạo ra những con số đầy hứa hẹn, như sản xuất và lắp ráp 15.000 xe tải/năm, 400 xe buýt/năm.
Ngoài ra, mỗi năm nhà máy dự kiến sản xuất 75.000 tấn phụ tùng ôtô. Tuy nhiên, nhiều năm nay nhà máy không hoạt động, trong khi người dân lại không có việc làm, phải chuyển nghề hoặc rời bỏ quê hương đi làm ăn xa.
Đi vào hoạt động năm 2011 nhưng chỉ sau đó 2 năm, nhà máy bắt đầu ngưng trệ rồi bỏ hoang.
Người dân sống gần dự án cho biết sau thời gian ngắn nhà máy hoạt động, họ thấy số lượng kỹ sư, công nhân giảm dần. Thời gian sau, nơi đây không còn một bóng người.
Lý giải về việc dự án chết yểu, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Vinaxuki, cho hay đầu năm 2011, do khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng cao, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - đơn vị tài trợ cho Vinaxuki cắt vốn đầu tư.
Vì vậy, dù năm 2010 công ty đã san lấp, xây dựng gần xong 40.000 m2 nhà xưởng nhưng phải dừng sản xuất. Từ năm 2011, Vinaxuki đã thế chấp cho Vietcombank toàn bộ hồ sơ, tài sản đảm bảo trị giá 1.500 tỉ đồng theo kiểm toán để vay thêm 500 tỉ đồng. Nhưng do thay đổi lãnh đạo Vietcombank nên việc vay vốn bị ngừng trệ.
Máy móc trong các khu nhà xưởng phủ bụi, 'đắp chiếu'. Người dân địa phương cho hay thời điểm trước khi triển khai dự án, được chính quyền tuyên truyền, vận động họ đã ủng hộ đất trồng lúa, đất màu và đất đồi cho công ty.
Cũng theo Vinaxuki, công ty đã mời nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, song đến nay chưa ký được bất cứ hợp đồng hợp tác nào. Một trong những lý do nêu ra là Song Lộc mới được cấp phép là cụm công nghiệp, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài chỉ muốn đầu tư vào khu công nghiệp để được hưởng các ưu đãi của mô hình này. Công ty đã nhiều lần đề nghị được thành lập khu công nghiệp nhưng chưa được tỉnh Thanh Hóa cho phép.
Ông Nguyễn Văn Luệ, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, cho biết dự án Vinaxuki luôn được đặt ra trong các cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương. Dự án khiến nông dân mất đất, lao động địa phương không có việc làm.
"Người dân địa phương rất bức xúc vì sự lãng phí đất đai của dự án này. Đặc biệt là phần diện tích 26 ha đất màu mỡ bị thu hồi để thực hiện dự án, nhưng đến nay vẫn bỏ hoang” - ông Luệ nói.