Những người dân ở vùng biển xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi gọi là nghề “đập hàu”.
Bà Cim đập hàu trên các mỏm đá.
Để tìm thấy những con hàu ven biển, người dân thường đi từ lúc 6 giờ sáng đến giữa trưa thì trở về nhà. Bởi đây là thời điểm nước thủy triều rút, đến giữa trưa, nước bắt đầu dâng lên thì không thể bắt hàu được. Người đi bắt hàu mang theo một cái bao đựng, một cái rổ và cái búa. Búa chính là dụng cụ để đập hàu lấy thịt.
Bà Tô Thị Cim, 80 tuổi, xã Bình Thuận, cho biết đã làm nghề này được 10 năm. Những con hàu bám chặt vào đá, người ta dùng búa để đập chúng ra và cho vào bao, cứ đi hết mỏm đá này đến vùng khác. Sau đó, lựa một mỏm đá bằng phẳng hơn để ngồi đập những mảnh hàu và chỉ lấy ruột mang về bán lại.
“Làm nghề này rất dễ bị chảy máu tay, chân. Khi lội xuống biển ở vùng quanh hàu phải hết sức cẩn thận vì các mảng bám của hàu ở dưới biển đâm vào chân gây chảy máu, nhiễm trùng. Khi gỡ hàu ra khỏi đá cũng phải cẩn thận nếu không sẽ bị chích vào tay. Vì vậy nhiều người đi làm hàu phải mang găng tay” - bà Cim nói.
Hàu bán theo chén (bát), cứ một chén hàu nhỏ được bán với giá 10.000 đồng. Mỗi ngày bà Cim đập được 5 chén hàu, bán được 50.000 đồng. Bà nói: “Hàu là lộc biển trời cho, chỉ cần ra biển cố gắng ngồi đập từng con một đủ tiền ăn như người bán bánh mì ven đường”.
Chị Đinh Thị Song đang gỡ những con hàu bám vào những lồng cá đã hoen gỉ. Chị cho biết những chiếc lồng này đã bỏ ngâm nước được nửa tháng, có rất nhiều hàu bám vào. Việc này khó hơn, vì mức độ bị thương cao hơn so với đập hàu trên biển.
Bà Bùi Thị Thí cũng tìm kiếm những con hàu bên những cây đước ở vùng ngập mặn. Người dân đi đập hàu về bán lại cho các quán và nhà hàng . Những con hàu này phải bán ngay sau khi đập để đảm bảo độ tươi sống của hàu.
Hàu xuất hiện gần như quanh năm, vào mùa biển động lại càng nhiều.
Chùm ảnh nghề hàu trên biển xã Bình Thuận:
Hàu biển bám trên những mỏm đá.
Tìm hàu trong những rừng đước.
Đập hàu từ thân cây.
Vỏ hàu đập ra được.
Thịt hàu được đập ra.
Vỏ hàu ở biển rất đẹp và có màu sắc.