Đại gia Thái ‘đá văng’ hàng Việt khỏi siêu thị Big C Việt Nam chính thức vào tay đại gia Thái Đại gia Thái ‘đổ bộ’, DN Việt ‘ngơ ngác’ Đại gia Thái Lan đã mua Nguyễn Kim
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú trong cuộc trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM nhận định rằng việc các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, đặc biệt là các đại gia Thái Lan thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường bán lẻ Việt Nam đang phát đi những tín hiệu đáng lo cho các doanh nghiệp (DN) bán lẻ lẫn sản xuất trong nước.
Có rất nhiều điều đáng lo
. Phóng viên: Thưa ông, việc có nhiều tập đoàn nước ngoài nhảy vào cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam rất hấp dẫn?
+ Ông Vũ Vinh Phú: Theo tôi, những đại gia nước ngoài đổ bộ vào nước ta với mô hình quản trị tiên tiến, phong cách phục vụ tốt sẽ buộc các đơn vị bán lẻ trì trệ của chúng ta phải thay đổi, đổi mới. Ví dụ trước đây có nhà bán lẻ Việt không biết cảm ơn khách hàng thì nay đã biết cảm ơn. Trước đây mua hàng rồi miễn trả lại thì nay mua và được đổi, trả lại trong năm ngày. Đó là những điều tốt đối với khách hàng.
. Đó là cái lợi, còn những điều đáng lo ngại, thưa ông?
+ Có rất nhiều điều đáng lo. Đơn cử chỉ riêng hai tập đoàn bán lẻ Thái Lan hiện chiếm 52/88 điểm bán lẻ đầu tư nước ngoài (FDI). Một điểm bán lẻ của họ có thể bán gấp nhiều lần những điểm bán của siêu thị Việt. Doanh số của họ có thể chiếm tới hơn 50% và họ trở thành đầu cầu để đưa hàng nước ngoài vào nước ta.
Trên thực tế, hàng Thái Lan đã tiếp cận thị trường nước ta với rất nhiều mặt hàng từ bánh xà phòng, nước rửa chén, cánh gà, trái me cho đến điện máy, xe máy, ô tô… Nhưng quan trọng hơn, hàng Thái đang được trưng bày ở những chỗ đẹp trong các siêu thị mà họ đã mua. Từ đó người tiêu dùng Việt sẽ mua hàng Thái nhiều hơn.
. Vậy so sánh giữa hàng Việt cũng như các đơn vị bán lẻ Việt Nam và Thái Lan, ông nhận thấy DN của chúng ta thế nào?
+ Hiện nay ở một số nhóm hàng, hàng Thái và Trung Quốc đang chiếm lĩnh. Riêng thị trường điện máy, hàng Thái đã chiếm khoảng 72%, hoa quả họ chiếm khoảng 41% với hàng loạt sản phẩm như xoài, mận, me, sầu riêng… Nhìn chung chúng ta bị cạnh tranh ở cả phân phối, sản xuất và đầu tư ở tất cả ngành nghề. Rõ ràng họ bài binh bố trận một cách tổng hợp. Chiến lược của họ vừa mềm dẻo vừa chính xác, bài bản.
Qua tất cả điều đó, tôi thấy thị trường bán lẻ Việt Nam đã thua 80% Thái Lan.
Hàng Thái được bày bán ở vị trí đẹp nhất tại một siêu thị TP HCM. Ảnh: TÚ UYÊN
Đóng thuế 10.000 đồng/kg thịt thì khó cạnh tranh
. Vì sao vào nước ta chưa lâu nhưng các tập đoàn bán lẻ Thái Lan nói riêng và nước ngoài nói chung đã chiếm lĩnh được thị trường một cách mạnh mẽ như vậy?
+ Tôi đã từng tìm hiểu và được biết thuế, phí của nhiều nước đối với các DN của họ rất thấp, thậm chí bằng 0%. Lãi vay ngân hàng, chi phí vốn, khấu hao cũng thấp hơn ta. Chẳng hạn thuế giá trị gia tăng có nước đã giảm còn 3% nhưng Việt Nam vẫn ở mức 10%. 1 kg thịt mà phải đóng thuế tới 10.000 đồng thì khó cạnh tranh!
Chưa hết, các thủ tục hành chính, chi phí bôi trơn của họ ít hoặc không có. Điều này không giống với chúng ta khi ngay tại Hà Nội, theo một điều tra của cơ quan chức năng có tới 63% DN phải đóng phí bôi trơn! Các khoản “điếu đóm” đã góp phần làm giảm sức cạnh tranh hàng Việt.
Như vậy, cuộc cạnh tranh giữa ta và các đối thủ nước ngoài không cân sức về cả sản xuất, phân phối và tư duy quản lý nhà nước.
. Cũng có ý kiến cho rằng các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang nhận được nhiều ưu đãi hơn so với DN trong nước?
+ Trong hình tháp ưu đãi hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài đứng đầu, sau đó đến DN nhà nước và cuối cùng mới là tư nhân, cá thể. Đây là mô hình ngược so với các nước. Đơn cử, tại sao Metro khi vào nước ta được miễn 50% thuế thu nhập hai năm đầu? Đó là những vấn đề chúng ta cần xem xét.
Hình ảnh rất đau đớn
. Ngoài những điều như ông vừa đề cập, tôi cho rằng còn có nhiều lý do khác khiến bán lẻ chúng ta thua, nhất là tính liên kết rất kém của các công ty Việt cũng như giữa nhà sản xuất với phân phối?
+ Đúng thế. Sự kết nối giữa sản xuất và phân phối của chúng ta rất rời rạc, như cơm nguội, tức là ông nào biết ông đấy chứ không bắt tay nhau. Trước đây đã từng có chuyện nhiều ông lớn bán lẻ tập hợp lại để liên kết nhưng tám năm qua chỉ làm được… một kho vận chứa hàng!
Thế nên mới có chuyện một chục quả trứng gà Ai Cập ở Vĩnh Phúc giá 20.000 đồng, có khi không ai mua. Nhưng ngay ở một số siêu thị tại Hà Nội, cách Vĩnh Phúc có mấy chục cây số, giá một chục quả trứng gà lên đến 47.000 đồng mà nhiều khi còn khan hiếm.
. Như vậy phải chăng trước hết chúng ta phải giải quyết những nguyên nhân nội tại của hệ thống siêu thị Việt Nam, thưa ông?
+ Vâng! Mối quan hệ giữa thương mại nội địa với các nhà cung ứng đang bất cập. Chiết khấu cao, phí tạo mã cao, phí đầu kệ cao… đã khiến có nhà sản xuất phải lập hệ thống phân phối riêng. Tôi từng dẫn một số công ty đưa gạo, nước mắm, thạch dừa… vào siêu thị mà còn bị gây khó khăn. Như thế chẳng khác nào “quân ta tự giết quân mình” chứ không chỉ do các đại gia Thái Lan, Nhật, Mỹ ép ta. Một cách công bằng, ta phải nhìn nhận: Ta tự hại nhau tới 70%, còn bên ngoài chỉ ép ta khoảng 30% thôi!
Chính vì thiếu liên kết, thiếu hợp tác hoặc liên kết rời rạc như vậy dẫn đến yếu thế nên các đơn vị bán lẻ dần dần rơi vào tay nước ngoài. Khi siêu thị Việt vào tay nước ngoài thì hàng hóa Việt không còn đường vào siêu thị, bị loại khỏi siêu thị. Nếu có vào được thì chi phí quá cao đã đẩy giá hàng Việt lên. Giá rau, quả, đường, mắm, gạo, đồ chơi trẻ em, giày dép… của ta đều cao là vì vậy.
Một thực tế khác là nhiều siêu thị vẫn chủ yếu ngồi phòng máy lạnh chờ người ta mang hàng đến chứ không phải tổ chức nguồn hàng như Metro. Bức tranh giá cả tại các siêu thị nội vì thế vẫn cao và xảy ra trường hợp nhiều siêu thị Việt phải vào Lotte mua hàng. Hình ảnh này rất đau đớn!
. Phải có cách nào khắc phục tình trạng này chứ, thưa ông?
+ Chúng ta cần nhớ một nguyên tắc trong thương mại rằng: “Nắm trọn bán buôn thì chi phối bán lẻ”. Nhưng đáng buồn là bán lẻ chúng ta hiện như một cơ thể nhiều bệnh, lúc đau chân, lúc đau tay, lúc đau đầu… khi gặp cơn gió lạ “bán lẻ nước ngoài” là ngã luôn!
Đứng trước tình thế này, chúng ta phải xốc lại đội hình và phải có người cầm đầu. Chúng ta không còn cách nào khác là phải cạnh tranh bằng liên kết, uy tín, mẫu mã, giá cả, chất lượng, bằng dịch vụ chăm sóc khách hàng... Liệu khi khách hàng mua một chiếc áo sơmi Việt, hai ngày sau bị đứt cúc thì có được khâu lại hay không? Đó là câu hỏi mà các đơn vị bán lẻ Việt phải trả lời và hành động.
Hàng Việt bị đẩy ra vỉa hè, lề đường
Hiện nay các nhà bán lẻ nước ngoài đang ồ ạt vào chiếm thị trường bán lẻ nội địa của chúng ta. Đặc biệt việc đại gia Thái Lan nắm được hệ thống siêu thị rộng lớn ở nước ta như Big C thì họ có thể hoàn thành được vòng chu trình, từ sản xuất tới phân phối, gây ra sức ép không nhỏ với hàng trong nước, cũng như các nhà bán lẻ khác.
Một bài học chúng ta từng trải qua là Công ty C.P của Thái Lan từng tăng giá trứng hai lần trong vòng một tuần, bởi họ nắm tới 30%-40% thị phần cung cấp trứng cho hệ thống siêu thị. Nên nếu các DN này có thể nắm 50-60 điểm phân phối lớn tại thị trường nước ta thì đó sẽ là một thách thức lớn với DN nội. Thực tế DN bán hàng Việt vào các siêu thị như Metro hay Big C là khó vì tỉ lệ chiết khấu cao.
Thực tế này cũng đang ép đến người nông dân. Trong các siêu thị nước ngoài hiện nay, họ càng đưa thêm hàng nông sản các nước vào, lấn át hàng Việt Nam. Hiện nay trái cây và một số hàng tiêu dùng đã có thể thấy rõ. Việc hàng hoa quả trong nước phải nhường chỗ hoặc bị hoa quả ngoại đánh bật khỏi các quầy, kệ siêu thị khiến cho hoa quả Việt ngày càng bị đẩy ra vỉa hè, lề đường là một thực tế đáng được báo động.
Ông PHẠM NGỌC HƯNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM
Lo lắng nhưng đừng sợ hãi
Hiện nay tình hình thâu tóm, mua bán, sáp nhập hệ thống bán lẻ của nhà đầu tư nước ngoài đang trở nên gay gắt. Đó là nỗi lo không chỉ của DN mà của cả nền kinh tế. Vissan và nhiều công ty không là ngoại lệ. Tuy chúng ta lo lắng nhưng không được phép sợ hãi mà phải hành động bằng các giải pháp cụ thể để vượt khó khăn. Đó là đầu tư đúng mức cho thị trường, tạo ra sản phẩm mới, sản xuất ra sản phẩm chất lượng với giá thành hợp lý và giữ uy tín với người tiêu dùng.
Chúng ta không có con đường nào khác là phải cạnh tranh bằng năng lực của chính mình. Chúng ta hạn chế về vốn, quản trị, kinh nghiệm… so với nước ngoài thì phải liên kết lại, kết hợp lại thành chuỗi sản xuất từ nguyên liệu đến sản xuất, phân phối. Phải hành động ngay chứ không thể chần chừ được nữa.
Ông VĂN ĐỨC MƯỜi, Tổng Giám đốc Công ty Vissan