Tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan vừa mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam gồm 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi và một trang thương mại điện tử với giá 1,05 tỉ USD. Trước đó tập đoàn bán lẻ của Thái là BCJ Group cũng đã mua lại Mertro Việt Nam gồm 19 siêu thị và các bất động sản liên quan với giá 876 triệu USD.
Như vậy, chỉ riêng hai đại gia Thái Lan đã sở hữu trên 50 siêu thị và hàng loạt cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam, bao vây thị trường bán lẻ Việt. Tính chung, đến thời điểm này, hơn 50% thị phần bán lẻ hiện đại Việt đã rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại.
“Họ không nhập hàng Việt nữa”
Theo khảo sát của chúng tôi, sau khi các hệ thống bán lẻ Việt rơi vào tay nhà đầu tư ngoại, sản phẩm của các công ty Việt rất khó có cơ hội vào kênh bán lẻ hiện đại.
Ngay tại cổng chính Siêu thị Metro, khách hàng bắt gặp một khu vực chuyên bày bán hàng hóa Thái Lan rất ấn tượng, thu hút nhiều người tham quan mua sắm. Người Thái đã dành vị trí đẹp nhất, thuận lợi nhất của siêu thị này để trưng bày hàng hóa của họ. Tại đây bán đủ các mặt hàng Thái từ hàng gia dụng, quần áo đến thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm.
Thông thường khi mua bán, thâu tóm siêu thị tại Việt Nam, các đại gia ngoại luôn cam kết rằng họ sẽ ưu tiên số một cho hàng Việt. Nhưng thực tế có đúng như vậy không? Câu trả lời là không! Bằng chứng là sau khi Tập đoàn bán lẻ BJC của Thái mua lại hệ thống Metro, hàng của nước này đã dần phủ các kệ hàng.
Một số công ty Việt than thở sau khi Metro rơi vào tay người Thái, hàng hóa của họ đưa vào hệ thống siêu thị này giảm hẳn. “Dù họ không tuyên bố huỵch toẹt từ nay sẽ không lấy hàng của doanh nghiệp (DN) Việt nhưng họ tìm nhiều cách để hạn chế hàng Việt. Họ từng bước đưa hàng của nước họ vào siêu thị để thay thế hàng Việt. Chính vì vậy nếu trước đây hàng Việt vào siêu thị được 10 phần thì nay giảm chỉ còn hai, ba phần” - đại diện một công ty sản xuất nước mắm thông tin.
Đáng lưu ý, không chỉ các siêu thị lớn như Metro, Big C mà hệ thống các cửa hàng tiện lợi như B’smart sau khi vào tay người Thái cũng “chê” hàng Việt, hàng Thái dần đẩy hàng Việt ra khỏi kệ. Giám đốc một DN nói: “Bây giờ chúng tôi không thể đưa hàng vào được vì họ không nhập hàng Việt Nam vào nữa!”.
Hàng Thái đang dần chiếm lĩnh tại một số hệ thống bán lẻ Việt Nam. Ảnh: TÚ UYÊN
Ép công ty Việt đủ kiểu
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Saigon Food, cho hay hiện nay siêu thị nội đưa ra mức chiết khấu tương đối dễ thở, 1%-2% trên doanh thu. Trong khi đó hệ thống siêu thị ngoại mức chiết khấu vốn đã quá cao, nay còn đòi tăng thêm 4%-5% nữa.
“Trong tình hình kinh doanh rất khó khăn như hiện nay, việc tăng thêm chiết khấu là gánh nặng quá lớn cho các công ty Việt. Đó là chưa kể chắc chắn sắp tới hàng hóa Thái Lan sẽ tràn vào các hệ thống siêu thị nhiều hơn” - bà Lâm cho biết.
Chưa hết, một số DN trong nước còn cho hay sau khi vào tay nước ngoài, các siêu thị ép công ty Việt kinh khủng. Chẳng hạn trước đây siêu thị thanh toán tiền cho DN 30 ngày sau khi nhận hàng, nay kéo dài lên 45 ngày. Điều này chẳng khác nào chiếm dụng vốn của DN Việt. Hoặc mức chiết khấu đã thỏa thuận trong hợp đồng là 15% nhưng sau đó siêu thị ngoại nâng chiết khấu thêm 10% nữa. Điều này là quá sức chịu đựng của các công ty trong nước.
Đứng trước sức ép này, một số công ty Việt có tên tuổi, thương hiệu đã phản ứng bằng cách không cung cấp hàng cho Metro, Big C vì không chấp nhận mức chiết khấu quá cao và mỗi năm mỗi tăng.
“Riêng những công ty nhỏ, kể cả Saigon Food mặc dù hợp tác kinh doanh với họ từ lâu không có lãi nhưng vẫn ráng cầm cự” - bà Lâm cho biết thêm.
Đại diện một công ty khác bức xúc cho biết để đưa hàng vào được siêu thị đã khó khăn, giữ vững hàng hóa trên kệ ở siêu thị càng gian nan gấp trăm lần. Bởi thế có nhà sản xuất muốn hàng hóa của mình đến với người mua đành phải cắn răng chấp nhận trước những đòi hỏi của siêu thị như liên tục tăng chiết khấu, phí mở mã hàng, phí hỗ trợ các chương trình sinh nhật, khuyến mãi…
Đối thủ lớn nhất
Có thể thấy các đại gia ngoại đang tấn công rất mạnh mẽ vào kênh bán lẻ hiện đại, cửa hàng tiện lợi, thậm chí cả kênh truyền thống với mục tiêu tăng cường đưa hàng hóa của họ vào Việt Nam. đặc biệt làn sóng đầu tư, thâu tóm từ các nhà bán lẻ Thái Lan được xem là sự cảnh báo cho thị trường Việt Nam.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận định: “Đối thủ đáng gờm nhất của hàng Việt là hàng Thái. Theo tôi, sắp tới cuộc chiến với hàng Thái sẽ rất mệt”.
Nhưng không chỉ đưa hàng vào Việt Nam, TS Đào Xuân Khương, chuyên gia tư vấn phân phối và bán lẻ, từng phân tích khi sở hữu hệ thống bán lẻ, các nhà sản xuất ngoại sẽ qua kênh này để khảo sát thị trường, tìm hiểu thông tin thị trường, nhu cầu của người Việt. Nếu họ chắc chắn sản phẩm nào được thị trường chấp nhận, họ sẽ mở kênh phân phối ở Việt Nam hoặc làm thương hiệu riêng để kinh doanh thay vì bán hàng Việt.
Làm sao để đấu hàng Thái?
Nhiều chuyên gia bán lẻ cho rằng hàng Thái từng bước chiếm lĩnh thị trường Việt vì giá thấp và chất lượng tốt. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng hàng Việt có bị loại ra khỏi hệ thống bán lẻ hay không còn phụ thuộc phần lớn vào tính cạnh tranh của hàng Việt với hàng Thái chứ không chỉ vì hệ thống bán lẻ rơi vào tay người Thái.
“Khách hàng Việt thích hàng Thái nhiều nhưng không phải sản phẩm nào của Thái chất lượng cũng tốt. Do đó vấn đề là các công ty Việt phải làm sao để người tiêu dùng tin tưởng hàng Việt” - ông Fredic W. Swiercrek, Giám đốc Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam (A.I.T), khuyến cáo.
Nhìn nhận thời gian tới thị trường chắc chắn sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn bởi hàng Thái nhưng bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Saigon Food, vẫn tự tin cho rằng sản phẩm của công ty sẽ trụ vững. Bà Lâm nói: “Chúng tôi sẽ không ngừng đưa ra thị trường những sản phẩm độc đáo, khác biệt. Chúng tôi đổi mới công nghệ để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tương đương với hàng ngoại nhập”.
Tương tự, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, từng phát biểu rằng lâu nay các công ty trong nước thường thiếu sự liên kết. Đặc biệt là phong cách làm việc tiểu nông, chụp giật, nay làm mai bỏ của siêu thị Việt sẽ là con dao tự mình hại mình. Do đó, các nhà bán lẻ Việt hãy tự đổi mới mình để làm cách mạng ngành bán lẻ Việt Nam. Trong đó vấn đề quản trị DN và văn hóa kinh doanh là thước đo cho sự tồn tại.
“Công ty Việt phải cạnh tranh với Thái Lan về chất lượng hàng hóa và cạnh tranh với Trung Quốc về hàng giá rẻ. Hạm đội thuyền thúng siêu thị Việt nếu không liên kết sẽ bị phá vỡ” - ông Phú cảnh báo.
Yêu cầu giải trình vụ Metro bị thâu tóm
Từ đề nghị của Hiệp hội DN TP.HCM, mới đây Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu DN của đại gia Thái giải trình sau khi thâu tóm Metro Cash&Carry.
Theo đó, Cục Quản lý cạnh tranh đề nghị Công ty TNHH Mega Việt Nam (sau khi mua lại, Metro Cash&Carry Việt Nam thay đổi giấy đăng ký kinh doanh lần cuối vào cuối tháng 1-2016, đổi tên thành Công ty TNHH Mega Việt Nam) giải trình quá trình mua bán, cung cấp báo cáo thị phần của các bên tham gia tập trung kinh tế từ năm 2013 đến 2014 theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Theo cơ quan trên, do công ty này hoạt động tại Việt Nam nên phải tuân thủ theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Theo Thông tư 34/2013 của Bộ Công Thương, các nhà bán lẻ nước ngoài không được phân phối các mặt hàng như đường mía, gạo, thuốc lá... Nhưng thực tế nhiều siêu thị ngoại vẫn bày bán công khai các mặt hàng này.
Việc các mặt hàng trên không những tiếp tục được bán ở các điểm cũ mà còn được bán tại các cửa hàng, siêu thị mới mở làm cho các DN bán lẻ Việt Nam rất bức xúc.
Bên cạnh các đại gia Thái, hàng loạt DN bán lẻ của Hàn Quốc, Nhật Bản thông qua hình thức liên doanh và liên kết cũng đã mua cổ phần của một số đơn vị bán lẻ hàng đầu của Việt Nam như Nguyễn Kim, Trần Anh, Fivimart hay Citimart.
Một công ty trong ngành chế biến thực phẩm cho biết từ giữa năm 2014 đến nay, kinh doanh ngành hàng thực phẩm đông lạnh tại Metro giảm sút trầm trọng, doanh số giảm đến 50%.