Không phải bây giờ, mà ngay trong quá trình dự thảo nghị định về kinh doanh khí (Nghị định 19, thay thế Nghị định 107 năm 2009) đã có nhiều ý kiến trái chiều về các điều kiện kinh doanh. Trước khi ban hành chính thức, Nghị định 19 đã có 7 lần dự thảo và lấy ý kiến từ trực tiếp đến gián tiếp nhưng khi ban hành lại tiếp tục bị phản ứng dữ dội dù các điều kiện kinh doanh đã hạ xuống chỉ còn 1/3 đến 1/2 so với Nghị định 107.
“Ông lớn” chê chuẩn thấp
Theo nhiều DN kinh doanh gas lâu năm thì thực trạng của ngành gas là dư thừa cơ sở vật chất (từ vỏ bình đến trạm chiết, bồn chứa) so với nhu cầu xã hội nhưng nguồn lực bị phân tán khiến cho hiệu quả kinh doanh kém, người tiêu dùng chịu giá cao. Khi Nghị định 19 ra đời, các DN vừa và nhỏ, chủ yếu là ở các tỉnh tiếp tục kêu cứu vì bị “ép” chết. Trong khi các DN lớn thì bức xúc do các văn bản quản lý không nhất quán, dẫn tới những DN đầu tư đúng theo quy định từ 2009 bị lãng phí, còn các DN nhỏ hơn cố tình không đầu tư lại được “hợp thức hóa”.
Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Hoàng Lãm vừa có đơn kiến nghị gửi Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải xung quanh dự kiến điều chỉnh quy định về kinh doanh khí. DN này cho rằng kinh doanh gas là kinh doanh có điều kiện, việc có nhiều thương nhân không đáp ứng được cơ sở hạ tầng mà tham gia thị trường sẽ gây ra tình trạng lũng đoạn thị trường; tranh giành đại lý, khách hàng bằng việc thu mua chai của hãng khác để nạp và bán ra thị trường thông qua hình thức sang chiết thủ công, không cần đầu tư thiết bị sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn cao, ảnh hưởng đến tính mạng người tiêu dùng.
Tương tự, ông Lê Xuân Tuyến, Giám đốc Công ty CP Việt Xô Gas (Thái Bình), cho biết để đáp ứng điều kiện của thương nhân phân phối LPG cấp 1 là bồn chứa 800 m3 và 300.000 vỏ bình LPG quy định tại Nghị định số 107, công ty đã phải vay ngân hàng với một lượng tiền không nhỏ để đầu tư và hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, cũng theo ông Tuyến, việc hạ thấp các quy định về bồn chứa và số lượng vỏ chai LPG theo kiến nghị của các DN vừa và nhỏ có thể dẫn đến bất cập. Theo đó, đã là kinh doanh mặt hàng có điều kiện như LPG phải có đầu tư về trang thiết bị đầy đủ, bài bản, hướng tới mục tiêu kinh doanh lâu dài. Hiện nay, có quá nhiều thương nhân không đáp ứng được điều kiện về bồn chứa, vỏ chai nhưng vẫn nghiễm nhiên tham gia thị trường, đồng nghĩa việc thừa nhận những thương nhân trước đây kinh doanh trái phép, không đủ năng lực. Điều này dẫn đến việc DN tham gia cung ứng tràn lan, nhà nước không kiểm soát được trật tự thị trường cũng như an toàn cháy nổ. “Đó là sự bất công cho những DN làm ăn chân chính, luôn nghiêm túc tuân thủ các quy định của kinh doanh gas, vay vốn ngân hàng đầu tư một cách bài bản” - ông Tuyến nêu ý kiến.
Ông Tuyến cũng chỉ ra thực trạng thị trường còn tồn tại nhiều hành vi gây nguy hại cho người sử dụng, ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội như: chiếm dụng vỏ chai, cưa tai... ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu và mất an toàn. Nhiều trạm nạp không đủ điều kiện, chủ yếu nạp thuê, nạp lậu, nạp vào chai không đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường hoặc vi phạm đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, khi xảy ra cháy nổ sẽ không có căn cứ để xử lý và truy cứu trách nhiệm.
Các điều kiện kinh doanh quá chi tiết, nặng về đầu tư cơ sở vật chất khiến DN gas lớn, nhỏ đều bức xúc. - Ảnh: NGỌC ÁNH
Tương tự, ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Công ty Dầu khí Thanh Hóa, cũng cho hay để đáp ứng điều kiện tại Nghị định 19, công ty đã chủ động làm việc với ngân hàng vay một lượng tiền không nhỏ để đầu tư và hoạt động kinh doanh. Do vậy, DN này đề nghị nếu Chính phủ tiếp tục hạ thấp các điều kiện kinh doanh thì Bộ Công Thương cần xem xét, bồi thường những khoản vay ngân hàng mà các DN đã đầu tư để đáp ứng tốt, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Nghị định 107 trước đây cũng như Nghị định 19 hiện nay.
Can thiệp thái quá?
Tuy nhiên, với quan điểm bảo vệ DN quy mô nhỏ, ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong buổi tiếp xúc giữa Bộ Công Thương và DN mới đây, lại cho rằng các quy định của Bộ Công Thương thường hướng tới quản lý theo quy mô và điều này sẽ gây ra những hạn chế đối với các DN nhỏ và vừa. Thậm chí, các quy định có thể làm "thui chột" những DN manh nha khởi nghiệp.
"Ngành công thương thường có quy định phân biệt quy mô, không chỉ với gas mà còn gạo, phân bón, xăng dầu… Điều kiện này là sự can thiệp thái quá của nhà nước vào thị trường bởi quy mô phụ thuộc cung cầu và nếu không hợp lý thì doanh nghiệp tự điều chỉnh" - ông Đức nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH gas Thanh Bình (quận 7, TP HCM), cho biết những DN bức xúc nhất là đang sở hữu trạm chiết nhưng không phải là DN đầu mối. Từ đó, dẫn đến việc họ bắt buộc phải bán rẻ trạm cho các DN đầu mối hoặc phải tự đầu tư vỏ bình, bồn chứa để lên DN đầu mối, tự sở hữu trạm.
Theo ông Bình, những trạm chiết hiện hữu không thuộc sở hữu của DN đầu mối thường có “điều tiếng” về việc chiếm dụng vỏ bình, sang chiết gas lậu thì cơ quản lý nên xử lý nghiêm, phạt nặng thậm chí rút giấy phép thì những trạm này tự khắc đóng cửa, không cần phải đặt điều kiện.
Tuy nhiên, không phải trạm chiết nào cũng “làm bậy” mà thực tế kinh doanh gas có mô hình DN đầu mối kêu gọi vốn tư nhân lập trạm chiết để sang chiết độc quyền như cách mà Trạm chiết Thanh Bình (quận 7) đang nạp cho duy nhất thương hiệu Saigon Petro từ năm 1997 đến nay. “Do đó, để tránh lãng phí nguồn lực xã hội, cần mở ra quy định trạm chiết có hợp đồng với DN đầu mối là có thể tồn tại vì thực tế mua bán, sáp nhập DN để đảm bảo điều kiện “sở hữu” không hề dễ dàng. Nếu trạm chiết nào làm bậy thì rút giấy phép chứ không nên bức tử các trạm nạp làm ăn chân chính trước giờ, gây xáo động hoạt động kinh doanh.” – ông Bình kiến nghị.
Ông Trần Trung Nhật, giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Thái Dương (Trảng Bàng, Tây Ninh) lại phản ứng trước việc các DN gas lớn dọa kiện đòi bồi thường vì “hạ chuẩn” điều kiện.
Ông Nhật cho rằng DN phải tự chịu trách nhiệm trước đầu tư của mình, nếu thị trường lớn thì đầu tư lớn còn như công ty ông, là DN vừa và nhỏ, chỉ bán cho thị trường Tây Ninh thì đầu tư theo quy mô đó.
Cụ thể, hiện công ty ông đang sở hữu trạm chiết, chiết gas thương hiệu Thái Dương với số vỏ bình là 70.000 (thiếu khoảng 30.000 vỏ so với quy định tại Nghị định 19), về bồn chứa, tuy vừa với quy mô hoạt động nhưng lại chưa bằng một nửa so với yêu cầu.
Ông Nhật cũng thống nhất quan điểm nếu DN nào làm bậy, sản xuất gas lậu, gas giả thì xử phạt, rút giấy phép chứ không nên bức tử bằng điều kiện kinh doanh.