VN-Index chốt tuần qua tại 533 điểm, trong kịch bản đẹp nhất, Index cuối năm nay cũng chỉ có thể đạt đến 550 điểm, tức là chỉ tăng khoảng 8% trong năm 2014. Đó là kịch bản đẹp nhất, còn thực tế, VN-Index vẫn mong manh tại 533 điểm và vẫn có nguy cơ trở về vạch xuất phát 504,63 điểm của phiên đầu năm 2014.
Rất nhiều dự báo của các chuyên gia và cả nhà quản lý cho rằng TTCK có khả năng tăng trưởng 20% năm 2014 do những yếu tố tích cực của nền kinh tế vĩ mô. Thậm chí, một số sự báo còn lạc quan hơn mức này được đưa ra bởi các nhà đầu tư và nhà tư vấn uy tín.
Tại hội nghị thường niên khách hàng năm 2014 của VinaCapital, tổ chức này đưa ra nhận định VN-Index cuối năm này tăng lên 620 - 650 điểm. Trong tháng 10, chuyên gia của CTCK VNDirect dự báo VN-Index sau 3 tháng, tức là vào cuối năm khoảng 650 điểm. Chuyên gia MBS cũng kỳ vọng VN-Index đạt 650-660 điểm vào cuối năm…
Vào thời điểm tháng 10, không chỉ các tổ chức, cá nhân trên, mà rất nhiều nhà đầu tư có cái nhìn lạc quan về TTCK. Tác động của giá dầu và Thông tư 36/NHNN đã làm thay đổi không khí lạc quan của thị trường. Rất nhiều nhà đầu tư đã đứng vững trước sự cố biển Đông hồi tháng 5, nay lại chịu thua lỗ khá đậm trong đợt sụt giảm cuối năm của thị trường. Ngoài nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu dầu khí, khá nhiều nhà đầu tư nắm các cổ phiếu kỳ vọng dài hạn như SSI hay HAG đã phải cắt lỗ, chấp nhận lỗ vốn năm nay.
Lý do là những cổ phiếu này đã ba lần giảm về các ngưỡng hỗ trợ lại bật lên, vì thế không ai dự đoán rằng, giá cổ phiếu sẽ thủng các ngưỡng hỗ trợ vững chắc đó, khi mà có nhiều tin tốt hỗ trợ cho đà tăng của cổ phiếu. Đó là cái bẫy rất tự nhiên của thị trường.
Tuy nhiên, với nhà đầu tư chuyên nghiệp thì việc ứng phó với các tình huống ngoài kịch bản là quá quen thuộc. Kiên quyết cắt lỗ danh mục là hành động cần thiết để bảo toàn nguồn vốn chờ cơ hội gỡ hòa.
Thị trường giảm điểm mạnh vào thời điểm này cũng lại là cơ hội để hy vọng có một đợt sóng vào đầu năm mới như thông lệ của các năm trước. Đầu năm 2014, thị trường đã tăng 14% về điểm số, chỉ sau 2 tháng đầu năm. Có thể các dự đoán lạc quan vẫn đúng, nhưng là sau 3 tháng nữa.
Cơ sở cho kỳ vọng là các yếu tố cơ bản của thị trường vẫn còn nguyên giá trị, nền kinh tế ổn định, các doanh nghiệp vẫn tăng trưởng ổn định và đặc biệt giảm giá xăng mới chỉ tác động tiêu cực đến thị trường, còn tác động tích cực vẫn chưa phản ánh. Tác động tích cực là giảm chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất, kích thích sức mua, tiêu dùng của nền kinh tế cần có độ trễ 3 đến 6 tháng để thể hiện rõ ràng hơn. Khối công ty chứng khoán cần có thời gian để huy động nguồn vốn mới thay thế các nguồn vốn nóng bị rút về do quy định của Thông tư 36.
Khi các thông tin đầu vào thay đổi thì kết quả dự báo cũng thay đổi. Ở thời điểm này, mặc dù ĐTCK đã khảo sát nhưng chưa tổ chức, cá nhân nào đưa ra dự báo cho TTCK 3 tháng tới, bởi còn nhiều yếu tố đầu vào chưa lộ diện. Ý tưởng giãn Thông tư 36 đang nóng trên nhiều diễn đàn và nếu ý tưởng này thành hiện thực, TTCK có thêm một tin tốt để phục hồi vào quý đầu tiên của năm 2015.