Hnx FF Index sẽ thay Hnx Index
Tháng 11-2014 tại hội nghị thành viên thường niên diễn ra ở Đà Nẵng, đại diện Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thông báo từ năm sau sàn phía Bắc sẽ có chỉ số mới, mang tên Hnx FF Index thay cho chỉ số Hnx hiện tại. Theo giải thích của sở, Hnx FF Index sẽ là chỉ số dựa trên vốn hóa thị trường, có điều chỉnh tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng của tất cả các cổ phiếu, có tỷ lệ tự do chuyển nhượng từ 5% trở lên.
Nói một cách khác, những cổ phiếu có tỷ lệ tự do chuyển nhượng quá thấp dưới 5% vốn điều lệ sẽ bị loại ra. Cách tính mới này, rõ ràng, phản ánh chân thực hơn sự biến động của chứng khoán. Không thể để những cổ phiếu “chết”, thí dụ do sở hữu áp đảo của cổ đông lớn hoặc cổ đông nhà nước, làm sai lệnh diễn biến thị trường.
Đấy là bề nổi. Bề chìm của sự thay đổi, có lẽ chẳng ai muốn nói ra, là sự kết thúc một chỉ số mà đã từ bốn năm nay kiên trì vật lộn, nỗ lực không ngừng, nhưng vẫn không thể nào trở về được vạch xuất phát 100 điểm. Ra đời năm 2005, chưa đầy 18 tháng sau, Hnx-Index vươn tới đỉnh cao 450 điểm. Tuy nhiên, nó đã không giữ được phong độ của thời huy hoàng, cứ “lịm” dần và không ít thời điểm rơi về 50 điểm.
Suốt 365 ngày qua, GAS (Tổng công ty Khí) là nhân tố đưa VN-Index vượt lên 640 điểm, và cũng chính GAS đã vùi chỉ số xuống vực, về lại cận mốc 500 điểm. Đã đến lúc Hose phải xem xét lại vai trò của GAS trong Index.
Năm 2014, Hnx-Index kiên cường đột phá mốc 100 điểm, và không thành công. Cho đến bây giờ, chỉ số này còn tăng gần 25% so với cuối năm ngoái, trong khi VN-Index chỉ còn tăng 7,7% tức chưa bằng một phần ba Hnx. Song, liệu bao giờ Hnx quay lại điểm xuất phát thì không ai có thể nói trước được.
Cho nên ý tưởng khai sinh một chỉ số mới tiến bộ hơn và cũng là để bỏ lại phía sau một chỉ số cũ nhiều ám ảnh của một thời suy thoái, dễ dàng được chấp nhận. Với chỉ số mới, sàn Hà Nội có cơ hội “làm lại từ đầu”.
Ngoài ra, phải thừa nhận rằng sàn Hà Nội đang chuẩn bị tốt cho việc sáp nhập hai sở, thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam trong năm 2015. Khi một sở thống nhất hiện diện, một chỉ số mới có ý nghĩa khích lệ tinh thần nhà đầu tư. Phàm là con người, cá nhân hay tổ chức, ai cũng xứng đáng luôn được có một cơ hội thứ hai trong cuộc đời!
VN-Index là GAS-Index?
Khác với Hnx, sàn TPHCM có nhiều ưu thế hơn về giá trị vốn hóa, nơi niêm yết các doanh nghiệp đầu tàu của nền kinh tế như GAS, VNM, FPT, MSN, VCB, BIDV, CTG... Suốt 365 ngày qua, GAS (Tổng công ty Khí) là nhân tố đưa VN-Index vượt lên 640 điểm, và cũng chính GAS đã vùi chỉ số xuống vực, về lại cận mốc 500 điểm. Thành tại GAS, bại cũng tại GAS, nên không phải không có lý khi một số nhà đầu tư gọi VN-Index là GAS-Index.
Thật không công bằng cho VN-Index khi GAS “sử dụng” sức mạnh mang tính “bạo lực” đến thế trong khi chỉ có 3,28% cổ phiếu của tổng công ty được tự do chuyển nhượng. Đã vậy, hơn nửa số này thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại muốn chỉ số lên thì mua vào GAS, muốn chỉ số xuống thì bán GAS. Cứ thế họ điều khiển chỉ số và cũng là điều khiển thị trường.
Một tháng qua, khi giá dầu quốc tế rớt thảm, nước ngoài đã minh chứng sự chủ động kiểm soát của họ đối với thị trường chứng khoán Việt Nam hiệu quả đến độ nào. Động thái bán ròng GAS liên tục của họ đã ảnh hưởng mạnh đến tâm lý nhà đầu tư nội. Khi thị giá GAS về gần 60.000 đồng, tức gần với giá vốn của họ, họ ngừng bán. Nhờ đó GAS “cầm máu”. Nhưng ai dám đảm bảo một khi giá lên, khối ngoại sẽ không bán tiếp?
Hãy nhìn lại trường hợp VIC. Khi nước ngoài thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu với giá vốn 40.300 đồng/cổ phiếu VIC, họ bán không ngừng cho đến khi giá chạm 45.000 đồng thì dừng. Giá lên, họ bán tiếp. Vốn nội đối ứng không những phải đủ lớn để “chống trả” các đợt chốt lời của khối ngoại, mà còn phải kéo giãn theo thời gian.
Ở đây, tiền ký quỹ (margin) không thể nào đảm đương nhiệm vụ khó khăn này, phải là tiên tươi thóc thật. Tiền thật là tiền thông minh. Nó không vội vàng, nó chọn giá rẻ để mua. Hôm nay không mua được thì mai mốt, tuần sau, tháng sau... Ưu tiên là giá, không phải thời gian. Cứ thế này, thị trường còn phải tích lũy dài hơi hàng tháng, hàng quí.
Chẳng lẽ 62 triệu cổ phiếu GAS cứ mãi “thống lĩnh” VN-Index? Đã đến lúc Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (Hose) phải xem xét lại vai trò của GAS trong Index và nên chăng loại bỏ phần vốn do Nhà nước sở hữu ra khỏi cơ cấu tính chỉ số chung.
Gần 97% cổ phiếu GAS đâu có giao dịch, cũng không được tự do chuyển nhượng - một tỷ lệ quá cao, cao nhất thị trường, nhất lịch sử chứng khoán Việt. Việc loại bỏ số cổ phiếu bất động này hoàn toàn không khó, chỉ một chút điều chỉnh mang tính kỹ thuật là xong. Tại sao Hose không hành động?
Ai đó nói giá trị vốn hóa của GAS lớn. Hồi giữa năm giá trị vốn hóa của GAS tới 11 tỉ đô la Mỹ. Ở mức giá 68.000 đồng/cổ phiếu ngày 19-12-2014 giá trị vốn hóa của GAS còn 6 tỉ đô la Mỹ. Nếu loại bỏ phần vốn nhà nước của GAS ra khỏi cơ cấu tính VN-Index, giá trị vốn hóa của Hose giảm 5,8 tỉ đô la Mỹ. Điều này sẽ tác động không tốt đến chỉ số cơ bản của thị trường.
Về mặt số học điều đó không sai. Nhưng nhà đầu tư cả nội lẫn ngoại không giải ngân vào cổ phiếu chỉ vì giá trị vốn hóa, hơn nữa lại là giá trị vốn hóa ảo do cổ phiếu không tự do chuyển nhượng. Mặt khác cũng nên tính đến khả năng giá dầu quốc tế còn biến động, cổ phiếu dầu khí nói chung và GAS nói riêng còn có thể diễn biến không tích cực. Khi đó, chẳng lẽ Hose cứ để VN-Index bất lực giảm điểm một cách vô lý vì GAS - sự giảm điểm không phản ánh thực chất bức tranh kinh tế đang cải thiện và hiệu quả hoạt động đa số công ty niêm yết đang tốt lên?
Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) dự báo nếu giá dầu thế giới ở mức 60 đô la Mỹ/thùng (giá ngày 19-12 là 57 đô la Mỹ/thùng), lợi nhuận ròng năm sau của GAS khoảng 9.500 tỉ đồng, giảm 22,8% so với năm nay. Khi đó EPS là 5.000 đồng/cổ phiếu, với giá hiện tại chỉ số PE của GAS khoảng 14 lần, quá cao so với PE toàn thị trường.
Trong trường hợp giá dầu về 40 đô la Mỹ/thùng như một trong ba kịch bản của SSI phỏng đoán, lợi nhuận của GAS còn 7.700 tỉ đồng, EPS tương lai lùi về 4.000 đồng/cổ phiếu, thị giá GAS sẽ là bao nhiêu? Không thể để những biến động của cổ phiếu GAS vốn phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố bên ngoài, tác động bất lợi đến toàn bộ thị trường chứng khoán!