Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (SLS-Hnx) chắc chắn là một trong những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả trên cả ba sàn. Với vốn điều lệ 68 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế chín tháng đầu năm nay của SLS lên tới 73 tỉ đồng.
Theo báo cáo tài chính quí vừa được công bố, doanh thu của công ty tăng mạnh do hàng tồn kho tiêu thụ tốt, không có nợ ngắn hạn, tiền và các khoản tương đương tiền cao hơn vốn điều lệ, đồng thời SLS còn 110 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. SLS đã không tăng vốn nhiều năm và năm nào cũng trả cổ tức bằng tiền ở mức 35-40%/năm.
Không phải tất cả doanh nghiệp mía đường niêm yết đều có các chỉ số tài chính cơ bản ấn tượng như SLS, nhưng sự biến động của giá đường thế giới theo hướng dần đi lên đang tạo điều kiện cho các công ty trong ngành để lại phía sau những tháng ngày khó khăn và hiệu quả kinh doanh bắt đầu được cải thiện.
Trong quí I/2015 của năm tài chính 2015-2016 (tính từ ngày 1-7-2015 đến 30-6-2016), Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT-Hose) đã nâng lợi nhuận sau thuế lên 65,8 tỉ đồng, cao hơn hẳn cùng kỳ.
Tương tự là lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Đường Biên Hòa (BHS-Hose) đạt 36 tỉ đồng. Cả SBT và BHS vừa tiến hành hợp nhất với hai công ty đường khác cũng niêm yết trên sàn TP HCM là Công ty cổ phần Mía đường nhiệt điện Gia Lai và Công ty cổ phần Đường Ninh Hòa.
Các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) không chỉ mở rộng quy mô của doanh nghiệp, mà còn giúp điều phối hợp lý hơn việc sử dụng vốn cũng như điều tiết nguồn hàng hóa và nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến.
Thị trường đã phản ứng tương đối tích cực với cổ phiếu mía đường kể từ tháng 4-2015 đến nay. Theo dữ liệu giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, cả SBT và BHS đều nằm trong tốp những cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh cao. Trong 10 phiên gần đây, khối lượng khớp lệnh trung bình của SBT khoảng 3 triệu đơn vị/ngày, của BHS khoảng 1,6 triệu đơn vị/ngày. Trong vòng chừng tám tháng, thị giá cổ phiếu BHS đã tăng trưởng 133%, SBT tăng 90% - vượt xa mức tăng chung của VN-Index.
Bất chấp việc một số cổ đông lớn, kể cả nước ngoài, đã liên tục đăng ký và bán ra khối lượng không nhỏ cổ phiếu vừa qua, thị giá SBT và BHS vẫn chưa điều chỉnh. Ngay cả trong trường hợp lợi nhuận bứt phá 50% so với năm ngoái, chỉ số P/E kỳ vọng của hai cổ phiếu đang khá cao, thậm chí cao hơn cả P/E của Vinamilk - cổ phiếu đang có mức vốn hóa lớn nhất thị trường.
BHS và SBT có một điểm chung, đó là mối liên quan đến tập đoàn Thành Thành Công. Hai cổ đông tổ chức là Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công và Công ty TNHH Thương mại đầu tư Thuận Thiên đang sở hữu tổng cộng gần 50% vốn của cả SBT và BHS.
Trong một cuộc hội thảo quốc tế về ngành đường tổ chức hồi tháng 7 năm nay ở Nha Trang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thành Thành Công, ông Đặng Văn Thành nhận định sau ba năm suy giảm vừa qua, cuối năm 2015 và năm 2016 là thời điểm phục hồi của giá đường quốc tế, hoạt động của các doanh nghiệp đường sẽ khởi sắc.
Thực tế đang chứng minh nhận định của ông dường như là đúng. Các doanh nghiệp mà Thành Thành Công góp vốn ở thời điểm giá đường rơi xuống đáy đầu năm nay đã mua vào dự trữ một khối lượng hàng hóa cả trăm ngàn tấn và khoản lợi nhuận họ có thể lên tới cả trăm tỉ đồng khi giá đường hiện đã tăng khoảng 25% so với đáy.
Nằm ngoài sóng tăng của chứng khoán mía đường hiện nay trên sàn Hose có lẽ chỉ còn cổ phiếu của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (LSS-Hose). Vốn điều lệ 700 tỉ đồng, giá trị sổ sách 21.348 đồng/cổ phiếu, thị giá LSS còn 8.500 đồng (giá ngày 11-12-2015). Lợi nhuận ròng của LSS những năm gần đây thấp, năm ngoái đạt 51 tỉ đồng và quí gần nhất cũng chỉ 13,8 tỉ đồng. Những nhà đầu tư giải ngân vào LSS sẽ phải tính đến một thời hạn đầu tư trung, dài hạn khi sự phục hồi của loại hàng hóa này ở mức vững chắc hơn.
Trong tương lai gần, cổ phiếu mía đường nhìn vào đâu để tạo sức hút của giới đầu tư? Chi phí tài chính, trong đó chủ yếu chi phí lãi vay giảm mạnh so với trước đây đã làm cho giá thành sản phẩm của ngành đường nội địa bắt đầu có sức cạnh tranh so với hàng nhập lậu. Bên cạnh đó, đà tăng của giá đường thế giới chưa dừng lại do lượng cung ứng của Brazil và Thái Lan, hai quốc gia đứng đầu về xuất khẩu đường, đang giảm.
Ở trong nước đường nhập lậu đang suy yếu. Đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu qua ngả biên giới phía Tây Nam với khối lượng 300.000-500.000 tấn/năm tùy năm. Tuy nhiên, theo sự xác nhận của các doanh nghiệp tham dự hội thảo tại Nha Trang, đầu tháng 2 năm nay cơ quan an ninh điều tra đã bắt giam Vi Ngươn Thạch về hành vi buôn bán hàng cấm và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đây là đường dây buôn lậu đường lớn nhất, thao túng 35% lượng đường nhập lậu vào nước ta, bị triệt phá.
Giá đường bán buôn tại các nhà máy nội địa, theo khảo sát của chúng tôi, đã tăng khoảng 30% so với đầu năm. Đây là một trong những yếu tố chính đánh giá triển vọng cổ phiếu mía đường.