Trong khi hơn 70% cổ phiếu niêm yết đang loanh quanh trong mức giá dưới 20.000 đồng thì các cổ phiếu gồm VNM (Vinamilk), BMP (Nhựa Bình Minh), NCT (Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài), MAS (Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng), WCS (Bến xe Miền Tây), HTL (Ôtô Trường Long), VCF (Vinacafé Biên Hòa), CTD (CotecCons) lại được giao dịch với giá từ 100.000 đồng trở lên. Điều gì khiến giá các cổ phiếu này cao gấp 4-5 lần mặt bằng chung và liệu có hợp lý?
Trong nhóm cổ phiếu nói trên, VNM luôn là ngôi sao tỏa sáng khi nhiều năm nay hầu như đều duy trì phong độ giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu. Đây là một công ty có nhiều lợi thế cạnh tranh với sự ổn định về nguyên liệu đầu vào, hệ thống quản trị tốt, lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (EPS) luôn duy trì trên 30%, lãi ròng/doanh thu trung bình 20%. Đó là chưa kể đến những cơ hội tăng giá cổ phiếu khi Nhà nước thoái vốn khỏi doanh nghiệp này.
Dù HTL của Ôtô Trường Long đã giảm sàn liên tục 4 phiên nhưng cổ phiếu này vẫn là hiện tượng đặc biệt. Gia nhập “câu lạc bộ” cổ phiếu có thị giá dẫn đầu từ ngày 21-9-2015 nhưng chỉ hơn một tháng, HTL đã đạt 194.000 đồng/cổ phiếu, tức tăng gần gấp đôi và là mức giá cao nhất trong bảng xếp hạng. Sự đột biến ở cổ phiếu HTL được lý giải là do Trường Long hoạt động trong ngành có tốc độ tăng trưởng cao, dẫn đến doanh thu trong 9 tháng qua đạt 1.260 tỉ đồng, lãi sau thuế tăng hơn 4 lần, đạt gần 102 tỉ đồng.
Cũng nhờ yếu tố ngành hấp dẫn mà Chairatchakarn, một đại lý thương hiệu Hino thành công ở Thái Lan, đã gia tăng mua vào và trở thành cổ đông lớn nhất, nắm giữ 27,6% vốn điều lệ ở Trường Long.
Tuy nhiên, HTL lại là cổ phiếu thiếu tính đại chúng. 4 năm sau ngày lên sàn, Trường Long không thay đổi số lượng 8 triệu cổ phiếu niêm yết. Đây cũng là cổ phiếu mà nhóm cổ đông lớn và cổ đông gia đình chiếm trên 90% vốn điều lệ.
Đáng chú ý, trong khi Hoàng Huy, công ty cùng ngành với Trường Long, ghi nhận doanh thu xấp xỉ 2.800 tỉ đồng, lãi sau thuế gần 417 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm nay thì Trường Long đạt chưa tới một nửa mức này. Tỉ lệ lãi ròng/doanh thu của Trường Long chỉ khoảng 8%; còn ở Hoàng Huy là 14,8%. Nhưng giá cổ phiếu của Hoàng Huy hiện chỉ bằng 10-15% so với giá cổ phiếu của Trường Long.
VCF của Vinacafé Biên Hòa cũng là cổ phiếu kém về giao dịch. Từ lúc niêm yết vào năm 2011, Công ty cũng không tăng thêm vốn. Đây là công ty trực thuộc Masan, do Masan nắm giữ 53% vốn điều lệ. Xét về kinh doanh, lãi sau thuế của Vinacafé Biên Hòa đã giảm hơn 73% so với cùng kỳ và nửa đầu năm nay, công ty này mới chỉ hoàn thành 7,2% kế hoạch lợi nhuận năm đề ra. Thế nhưng, giá VCF vẫn giao dịch trong mức 170.000-175.000 đồng/cổ phiếu.
WCS của Công ty Bến xe Miền Tây lọt vào nhóm cổ phiếu có thị giá cao nhất từ ngày 5-8-2014 và chỉ sau khoảng 2 tháng, đạt trên 140.000 đồng/cổ phiếu. Từ đó đến nay,WCS vẫn duy trì được giá giao dịch quanh mức này.
Cũng như VCF và HTL, WCS là cổ phiếu thiếu tính giao dịch, với lượng cổ phiếu vẫn như lúc mới niêm yết, tức 2,5 triệu cổ phiếu. Về cơ cấu sở hữu, tại thời điểm tháng 2-2015, cổ đông lớn nắm 77% vốn điều lệ tại Công ty.
Doanh thu cao nhất của WCS là vào năm 2014, khoảng 120 tỉ đồng, còn lợi nhuận chỉ đạt hơn 52 tỉ đồng. Với kết quả này, mức giá phổ biến 140.000-145.000 đồng/cổ phiếu của WCS trở nên không tương xứng, nhất là khi so với các công ty có thị giá thấp hơn nhưng lại đạt lãi cao gấp nhiều lần như Kido, Masan, Điện Quang...
Trường hợp cổ phiếu CTD của CotecCons có khác hơn, do mức giá cao của CTD là một quá trình tăng dần, vượt ngưỡng 100.000 đồng vào ngày 2-10-2015. Những thông tin như CotecCons ký hợp đồng thi công xây dựng và cơ điện cho nhà Part 9, Part 10 của dự án Vinhomes Times City Park Hill với giá trị 833,5 tỉ đồng; làm tổng thầu thiết kế và thi công dự án Diamond Lotus (TP HCM) với giá trị hợp đồng 1.300 tỉ đồng… đã giúp cổ phiếu CTD sáng giá hơn.
Tính trong 6 tháng đầu năm nay, CoteccCons đạt hơn 4.400 tỉ đồng, lãi sau thuế hơn 215 tỉ đồng, đi hơn nửa chặng đường kế hoạch năm. Đặc biệt, tháng 6 vừa qua, CotecCons trả cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 50% trên mệnh giá. Với khoảng 50 hợp đồng lớn có trong tay, theo chia sẻ trên báo chí của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch CotecCons, Công ty tự tin sẽ cán mốc doanh thu 1 tỉ USD trong năm 2017.
Đối với cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh, các yếu tố như dẫn đầu thị trường miền Nam, cầu vượt cung, tài chính vững mạnh… đã thúc đẩy giá cổ phiếu này. Theo Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, với kế hoạch mở rộng công suất sản xuất lên gấp 3 lần hiện tại vào năm 2018, Nhựa Bình Minh sẽ tăng trưởng tốt trong các năm sau.
Ngoài ra, với khả năng The Nawaplastic Industries (Thái Lan) sẽ gia tăng thêm sở hữu khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tiến hành rút vốn và việc nới room cho nhà đầu tư ngoại diễn ra, cơ hội phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho Nhựa Bình Minh sẽ nhiều hơn.
Ở 2 cổ phiếu thuộc ngành dịch vụ hàng không là MAS và NCT có phần khác biệt. Nếu như NCT chỉ sau 2 phiên lên sàn đã vượt mốc 100.000 đồng/cổ phiếu (12-1-2015) thì MAS phải đợi gần 1 năm. Đặc biệt, trong khi số lượng niêm yết cổ phiếu MAS trước sau không thay đổi thì NCT từ sau khi lên sàn đã tiến hành phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn. Vì thế, nhìn trên giao dịch, cổ phiếu NCT được mua bán nhiều hơn
Với ngành nghề đặc trưng, được hưởng lợi nhiều từ hoạt động đi lại, du lịch, cả NCT lẫn MAS đều đạt kết quả kinh doanh khá tốt: NCT đạt tăng trưởng doanh thu lợi nhuận trên 20%, còn MAS đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận năm chỉ sau 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, MAS vẫn là công ty có quy mô nhỏ khi doanh thu cao nhất là 210 tỉ đồng năm 2014 và lợi nhuận cả năm ngoái chỉ đạt hơn 36 tỉ đồng.