Do mới chỉ có vài cổ phiếu dệt may niêm yết nên khó có được bức tranh tổng thể về triển vọng của cổ phiếu ngành này, nhưng bên cạnh những thuận lợi khi được hưởng lợi thế thuế quan và hạn ngạch trong TPP, câu chuyện cạnh tranh ngay trên sân nhà, tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản phẩm, chất lượng sản phẩm và thương hiệu riêng, yếu tố môi trường… vẫn là những điểm yếu không dễ thay đổi.
Tác động là có, nhưng...
Sự kiện TPP kết thúc đàm phán chắc chắn là một trong những sự kiện ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường chứng khoán trong năm 2015. Theo ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó phòng Nghiên cứu - Phân tích Công ty Chứng khoán VietinBank, thị trường chứng khoán đã có những phản ứng rất tích cực trước sự kiện này, cả về giá cổ phiếu lẫn thanh khoản của thị trường.
“Tác động trong ngắn hạn của TPP lên thị trường là tích cực về mặt tâm lý, giao dịch sôi động hơn, thúc đẩy dòng vốn vào thị trường, tập trung vào các cổ phiếu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mũi nhọn như dệt may, thủy sản..” - ông Đăng nhận xét tại hội thảo về cơ hội đầu tư cổ phiếu dệt may, phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức cuối tuần qua.
Những tác động dài hạn được chờ đợi là các thay đổi thực chất dưới tác động của TPP, kinh tế tăng trưởng tốt. TPP sẽ ảnh hưởng lan tỏa đến các ngành có liên quan như bất động sản khu công nghiệp, vận tải, dịch vụ. Dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ gia tăng.
Tuy nhiên những gì được thể hiện ở các cổ phiếu dệt may lại cho thấy thị trường không quá kỳ vọng như trên lý thuyết.
TCM là ví dụ dễ thấy nhất. Cổ phiếu này tăng cao nhất gần 13,5% trong 3 ngày trước và sau khi tin TPP kết thúc đàm phán được đưa ra. Tuy nhiên, 17 phiên sau đó cho tới tận ngày hôm nay, lại là chuỗi phiên sụt giảm, và giá cổ phiếu này đang loanh quanh đáy thấp nhất trong hơn một tháng.
Thống kê một số cổ phiếu dệt may khác cũng thể hiện tình trạng “xịt” sau khi TPP hoàn tất đàm phán.
Đã có một sự tương phản khá lớn: trong khi VN-Index tăng xấp xỉ 4,5% thì TNG giảm gần 5%, KMR giảm 3,9%, GMC giảm 8,9%, G20 giảm 24,2%, TCM giảm 9,7%...
Chia sẻ lợi ích
Dù sao thì, tất cả các chuyên gia trong ngành cho tới nhà quản lý đều thống nhất ở một điểm: TPP sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết tại ngay từ khi chưa có TPP, kể từ lúc Việt Nam gia nhập WTO, dệt may đã có vị trí quan trọng nổi bật. TPP được ký kết, vì thế, sẽ tạo vị thế mới cho ngành này.
“Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2007 đạt 7,78 tỉ USD thì đến năm 2014 đã là 24,69 tỉ USD. 9 tháng đầu năm 2015 kim ngạch ước đạt 20 tỉ USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Theo định hướng năm 2020 xuất khẩu dự tính khoảng 30 tỉ USD thì ngay năm 2015 chúng tôi ước tính đã là gần 28 tỉ USD. Nếu có TPP, kim ngạch tới 2020 có thể vào khoảng 50-55 tỉ USD” - ông Giang nói.
Tăng trưởng quy mô của toàn ngành dệt may hậu TPP là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên các doanh nghiệp nội sẽ không thể “ăn” được tất cả lợi ích mà TPP đem lại. Tuy tăng trưởng ngành rất tốt, nhưng mức độ cạnh tranh sẽ rất khốc liệt và lợi ích sẽ phải chia sẻ không nhỏ.
Cũng theo ông Giang, dòng vốn nước ngoài đổ vào ngành dệt may đang tăng mạnh. Riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào trong 9 tháng đã khoảng 3,5 tỷ USD.
Sức hấp dẫn của TPP đang thu hút dòng vốn nước ngoài vào lĩnh vực này với đủ mọi hình thức, từ mua cổ phần (chủ yếu là các khu công nghiệp dệt may) tới việc thành lập các doanh nghiệp mới, liên doanh trong các lĩnh vực cung cấp nguyên phụ liệu.
Thực tế này là rất tốt cho toàn ngành dệt may, những dự kiến sẽ tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ trong thị trường nguyên liệu, lao động. Do đó, đứng từ góc độ doanh nghiệp đơn lẻ, sẽ là một môi trường khó khăn hơn rất nhiều do không ít doanh nghiệp cũng đã đầu tư vào lĩnh vực nguyên liệu để đón đầu TPP.
“Sức cạnh tranh từ phía các doanh nghiệp FDI là có, nhưng bù lại chúng ta sẽ có một thị trường nguyên liệu thuận lợi, đồng thời các lĩnh vực phụ trợ như lao động, thực phẩm, cung cấp dịch vụ liên quan sẽ được hưởng lợi” - ông Giang nhận xét.
Giá trị gia tăng ở đâu?
Một thực tế đã kéo dài nhiều năm nay, là ngành dệt may hấp dẫn dòng vốn nước ngoài cũng như các đối tác thương mại trên cơ sở chi phí rẻ. Đó là vì đa số doanh nghiệp lựa chọn phân khúc thấp nhất trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu: gia công các công đoạn cắt và may.
Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tới 70% hoạt động của các doanh nghiệp tập trung vào khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi này.
Trong khi đó, các phân khúc khác trong chuỗi cung ứng có giá trị gia tăng lớn gấp nhiều lần như nghiên cứu phát triển, thiết kế, phân phối, xây dựng thương hiệu, thậm chí cả sản xuất nguyên phụ liệu đều được thực hiện ngoài Việt Nam.
Nếu lướt qua hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may đang niêm yết, cũng dễ dàng nhận thấy doanh thu, kim ngạch xuất khẩu tuy lớn nhưng lợi nhuận biên nhỏ. Việc gia nhập TPP khiến rào cản thuế quan được dỡ bỏ, nhưng lợi ích phần lớn tập trung vào các công đoạn cao cấp hơn, vốn do đối tác nước ngoài nắm giữ.
Các doanh nghiệp trong nước dù có thể được đặt hàng nhiều hơn, nhưng vẫn là trên cơ sở phát triển theo chiều rộng, gia tăng lao động, quy mô nhà xưởng để thực hiện các công đoạn có giá trị gia tăng kém nhất, mà không tận dụng được TPP để thay đổi về chất.
Với yêu cầu khắt khe của TPP theo nguyên tắc từ sợi trở đi, lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu dệt may có thể bùng nổ tại Việt Nam. Điều này giúp giải quyết vấn đề xuất xứ, nhưng đó cũng sẽ là lĩnh vực có mức độ cạnh tranh rất cao, trong đó các doanh nghiệp trong nước sẽ phải chịu sức ép từ các doanh nghiệp FDI.
Đó là chưa kể lĩnh vực này tiêu tốn tài nguyên không nhỏ, chịu sức ép về môi trường và cũng vẫn nằm trong tầng giá trị gia tăng thấp của chuỗi cung ứng.
Câu chuyện thương hiệu dệt may Việt Nam đã kéo dài cả thập kỷ, nhưng trong khi hàng dệt may Việt Nam xuất hiện trên khắp thế giới thì vẫn chưa thấy thương hiệu nội địa nào vươn ra nước ngoài thành công.
Bản thân Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đánh giá hiện ngành tập trung quá lớn vào xuất khẩu - mà thực chất là làm thuê - tới 85% năng lực. Sản phẩm nội địa có chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc; chủng loại hạn chế, giá thành cao…
Với những lợi thế của TPP, lĩnh vực dệt may Việt Nam từ năm 2018-2040 đang được kỳ vọng trở thành công xưởng dệt may thế giới sau Trung Quốc. Điều này tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong ngành, nhưng khả năng tận dụng lại không chia đều, thậm chí áp lực cạnh tranh trong nội bộ có thể còn tăng cao hơn, khi xu hướng đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng nở rộ.