Một chiếc xe hiệu Chevrolet mới cáu, với anh chàng tài xế trẻ trung và lịch sự, trờ tới đón đoàn khách bốn người tại góc đường Võ Thị Sáu – Pasteur, quận 3, TP HCM. Điểm đến là trụ sở công ty Thép Việt trên đường Lý Thường Kiệt, quận 11. Đó không phải taxi mà là một chiếc xe tư nhân vừa mới tham gia dịch vụ GrabCar của GrabTaxi.
Tổng cộng số tiền phải trả cho dịch vụ GrabCar là 33.000 đồng. Nhóm khách vui vẻ đưa cho bác tài 50.000 đồng, không lấy tiền thối lại. Ở chiều về, cũng các vị khách trên gọi một chiếc taxi của hãng Vinasun. Cùng quãng đường, số tiền lên đến 99.000 đồng.
Người dùng hưởng lợi
Có thể nhìn thấy một khoảng cách rất chênh lệch, lên tới gấp ba lần giữa dịch vụ GrabCar của GrabTaxi và hãng Vinasun. Điều đó cũng dễ hiểu. GrabTaxi đang tung ra chiến dịch marketing để người tiêu dùng sử dụng dịch vụ taxi siêu rẻ của họ, với mức giá chỉ 6.000 đồng/km. Anh chàng tài xế cho biết mỗi ngày, định mức mà GrabTaxi đưa ra cho mỗi đầu xe là 20 chuyến. Mỗi chuyến, chủ xe được GrabTaxi hỗ trợ số tiền 60.000 đồng. Cộng thêm tiền cước xe, mỗi ngày anh kiếm cũng kha khá.
Mức giá “siêu rẻ” của GrabTaxi đã làm dấy lên vô vàn cuộc tranh luận, nhất là từ giới vận tải taxi truyền thống. Ngày càng nhiều người tham gia các dịch vụ của GrabTaxi, kể cả lực lượng taxi truyền thống lẫn các xe tư nhân. Điều đó đe doạ đến các hãng taxi khi họ chính là người đầu tư đội xe, đầu tư đội ngũ quản lý lẫn tổng đài, trong khi đó GrabTaxi không hề sở hữu chiếc xe nào cả.
Cuộc đối đầu giữa các hãng taxi truyền thống và các nhà công nghệ phá bĩnh như GrabTaxi đang diễn ra hết sức căng thẳng. GrabTaxi không chỉ là kẻ phá bĩnh duy nhất. Uber mới là cái tên đáng được nhắc đến. Công ty startup có trụ sở tại Mỹ này thực chất chỉ là dịch vụ trung gian hoạt động thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, làm nhiệm vụ gắn kết người cần đi xe với người sở hữu xe cá nhân, nhưng đang khiến các hãng taxi trên thế giới điên đảo.
Giá cước siêu rẻ của GrabTaxi 6.000 đồng đã không còn giữ nguyên. Đầu tháng 11, hãng này tăng giá dịch vụ GrabCar lên 9.000 đồng/km vào giờ thấp điểm và 11.700 đồng vào giờ cao điểm tại TP HCM. Đến chiều ngày 27-11, giá cước lại tiếp tục được điều chỉnh: khung giờ cơ bản là 11.700 đồng/km, vào giờ cao điểm là 14.700 đồng/km và từ 0 giờ đến 6 giờ là 12.900 đồng/km.
Ở Hà Nội, giá cước rẻ hơn, chỉ 7.000 đồng vào giờ thấp điểm và 9.100 đồng/km vào giờ cao điểm. Sự thay đổi mức giá này cũng là thời điểm kết thúc đợt hỗ trợ 60.000 đồng/chuyến cho các tài xế. Còn giá cước của UberX cả ở Hà Nội lẫn TP HCM là 8.450 đồng/km, còn dịch vụ UberBlack thì cao hơn, với 11.500 đồng/km. Dù vậy, giá của họ vẫn thấp so các hãng taxi truyền thống (vẫn giữ nguyên giá cũ 17.000 đồng/km).
Không cân sức
Cả GrabTaxi lẫn Uber đang ráo riết tuyển dụng tài xế. Grab tặng người gia nhập 3 triệu đồng, còn Uber thì chiêu dụ “thu nhập 40 triệu đồng/tháng.
Các thông tin từ Uber và GrabTaxi cho thấy Việt Nam là một thị trường tăng trưởng rất mạnh mẽ, đặc biệt là ở Hà Nội và TP HCM. Cứ trung bình 5 giây, Uber có một khách đặt xe và sau hơn một năm hoạt động ở Việt Nam đã có hơn 1 triệu lượt khách sử dụng dịch vụ này.
GrabTaxi đã có gần 9 triệu lượt tải ứng dụng này tại sáu quốc gia Đông Nam Á, so với chỉ 1 triệu lượt tải vào thời điểm một năm về trước. Trung bình một giây, hãng này có 11 lượt đặt xe ở sáu quốc gia này. Ở Việt Nam, mới xuất hiện chừng hai năm, GrabTaxi đã có hơn 10.000 tài xế chạy cho họ.
Sau những ồn ào, GrabTaxi xuất hiện với một văn bản của Chính phủ cho phép hoạt động thí điểm tại năm thành phố lớn ở Việt Nam. Hãng này đang quảng cáo rầm rộ cho chiến lược tuyển dụng các lái xe vào đội ngũ của mình rằng “trở thành tài xế hợp pháp, kiếm thu nhập cao với lượng khách ổn định”, như một lời đáp với các cáo buộc họ là “taxi trá hình”.
Nhưng chính văn bản đó lại như đổ dầu vào lửa. Các hãng taxi truyền thống vừa phải đầu tư đội xe, đội tài xế, trả lương hàng tháng, quản lý tổng đài, nhân viên và cả hệ thống bến bãi, nhà cao tầng. Bỗng dưng một ngày, một kẻ từ đâu xuất hiện như Grab cuỗm đi các tài xế và khách hàng của mình. Hay như Uber, cuỗm đi một lượng khách, bảo sao không giận được. Số liệu từ bộ Giao thông vận tải cho thấy tỷ lệ chạy xe rỗng của các hãng taxi truyền thống đã lên đến 30 – 50%, tuỳ thời gian cao điểm hay thấp điểm.
Taxi truyền thống đối phó một mặt kêu ca, đòi đóng cửa hình thức này, mặt khác cũng chạy đua công nghệ. Vinasun đã cho ra đời một ứng dụng gọi taxi của hãng này. Trên hệ thống khoảng 8.000 xe của hãng cũng đã gắn màn hình cho hành khách theo dõi hành trình của xe. “Nhưng cũng chẳng cải thiện là mấy vì giá vẫn như cũ, nên nhiều tài xế vẫn chạy cho GrabTaxi” - một bác tài xế nhận xét.
Theo “tường thuật” trên Facebook của bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng thư ký hội Doanh nhân trẻ TP HCM, “trước kia gọi một cuộc, bây giờ gọi năm cuộc để kiếm một xe”. Cụ thể thì cuộc gọi đầu tiên là như thường lệ, đến tổng đài và được tổng đài báo số của tài xế. Cuộc gọi thứ hai là cho tài xế, “nhưng tài xế không bắt máy”.
Cuộc gọi tiếp theo lại về cho tổng đài và “tổng đài vẫn báo là số tài kia sẽ rước khách, hệ thống nhắn tin báo cho khách rồi mà”, giọng cô tổng đài hơi quạu. Cuộc thứ tư gọi lại cho tài xế mà tổng đài báo.
May mắn, lần này tài xế bắt máy nhưng sau một hồi trao đổi mới phát hiện ra: “Chị ơi, em xếp tài ở Thủ Đức, sao qua chở chị ở Bình Thạnh được. Chị báo lại tổng đài giúp em”.
Cuộc gọi cuối cùng lại về tổng đài báo tình hình và yêu cầu điều xe khác. “Cuối cùng thì cũng có được một xe. Tài xế bực không kém mình vì “em xếp tài cách đây 700m mà sao tổng đài không báo em?””.