Một phần lý do phía sau sự suy giảm nhu cầu vàng của thế giới là những số liệu kinh tế tốt lên từ Mỹ.
Khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers tuyên bố phá sản vào tháng 9/2008, các nhà đầu tư đổ đi mua vàng. Khi cuộc khủng hoảng nợ của khu vực Eurozone bùng nổ vào năm 2010, họ gom vàng mạnh hơn. Và khi nước Mỹ bị Standard & Poor’s tước định hạng tín nhiệm AAA mùa hè năm ngoái, họ thậm chí còn mua nhiều vàng hơn nữa.
Nhưng theo tờ Financial Times, năm nay vàng bỗng rơi vào cảnh ế ẩm. “Có những ngày chúng tôi ở đây băn khoăn không biết có phải điện thoại bị hỏng hay không”, ông Mike Kramer, Chủ tịch củ Manfra, Tordella & Brookes, cho biết khi nói về việc khách hàng giờ chẳng buồn gọi đến cửa hàng của ông nữa. Ông Kramer ước tính, doanh số đồng xu vàng, bạc và thỏi vàng nhỏ đã giảm khoảng một nửa trong vòng 2 tháng trở lại đây.
Không chỉ có các công ty vàng như của ông Kramer rơi vào cảnh kinh doanh ảm đạm. Ở thị trường Mỹ và cả ở châu Âu, châu Á, mối quan tâm đến vàng và bạc của các nhà đầu tư hiện đã yếu đi nhiều. Và sự thờ ơ này đã có ảnh hưởng bất lợi tới giá kim loại quý. Tuần trước, giá vàng trượt xuống mức thấp nhất của 4 tháng là 1.527 USD/oz, giảm 20,5% so với mức kỷ lục mọi thời đại 1.920 USD/oz thiết lập vào tháng 9 năm ngoái.
Sự dịch chuyển này được nhận thấy rõ nét nhất ở nhu cầu tiền xu vàng - một lĩnh vực thường được xem là “hàn thử biểu” về tâm lý của các nhà đầu tư.
Theo số liệu từ Cơ quan In tiền Mỹ (US Mint), doanh số đồng xu vàng có in hình đại bàng của nước này (American Eagles), sản phẩm được giới đầu tư vàng vật chất ở Mỹ ưa chuộng, từ tháng 2 tới nay đã giảm 63% so với cùng kỳ năm trước. Tại châu Âu trong quý 2, doanh số của loại tiền xu phổ biến ở thị trường này là Vienna Philharmonics, đã giảm 19% đối với loại bằng vàng và 31% đối với loại bằng bạc - theo số liệu từ Cơ quan In tiền Áo (Austrian Mint).
Thậm chí các nhà đầu tư nhỏ lẻ mà các chuyên gia phân tích gọi là người dân thường cũng đang tỏ ra mất hứng thú với vàng. Thực tế này khiến những người vốn có quan điểm vàng còn tăng giá phải xem xét lại.
“Liệu vàng có đang mất đi sức hút với tư cách một đồng tiền cuối cùng?” ngân hàng Goldman Sachs đặt câu hỏi trong một báo cáo gần đây. Các nhà băng lớn khác như HSBC, Barclays, UBS và Macquarie cũng đều đã cắt giảm dự báo giá vàng.
Một phần lý do phía sau sự suy giảm nhu cầu vàng của thế giới là những số liệu kinh tế tốt lên từ Mỹ. Những con số này làm suy yếu kỳ vọng vào một chương trình nới lỏng định lượng (QE3) từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Với chính sách nới lỏng định lượng, FED sẽ bơm tiền mua trái phiếu, theo đó khiến đồng USD giảm giá và tạo cơ hội tăng giá cho vàng.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cảm thấy thất vọng vì khả năng tăng giá ngày càng đuối của vàng. Không chỉ mất giá, vàng còn giảm giá mạnh nhất khi những lo ngại về tăng trưởng và khủng hoảng ở Eurozone gia tăng. Điều này khiến các nhà đầu tư mua vàng như một “vịnh tránh bão” cảm thấy bối rối và khó hiểu.
Chưa kể, mối liên kết truyền thống giữa giá vàng và lãi suất thực tế đã tính tới yếu tố lạm phát - trong đó, khi lãi suất giảm thì chi phí cơ hội để nắm giữ vàng cũng giảm - cũng đã bị đứt gẫy.
“Tôi không còn nghe thấy chuyện người ta bảo cảm thấy lo sợ thì mua vàng nữa”, ông Jonathan Potts, Giám đốc điều hành của FideliTrade, một công ty kinh doanh vàng lớn của Mỹ, phát biểu. Theo ông này, trong 2 tháng qua, thị trường vàng im ắng hơn bao giờ hết kể từ năm 2007.
Và cuối cùng, lực đỡ đối với giá vàng từ nhu cầu vàng vật chất của khu vực châu Á giờ cũng vắng bóng.
Ở những đợt thị trường bán tháo vàng trước kia, các nhà đầu tư châu Á thường sẵn sàng vào cuộc để gom vàng ở vùng giá thấp. Nhưng năm nay, việc này không lặp lại. Các cửa hàng vàng ở Zaveri Bazaar, khu chợ vàng lớn nhất ở Mumbai, Ấn Độ, cũng kể câu chuyện tương tự như các hiệu vàng ở Mỹ đã kể.
“Người dân giờ không còn tặng vàng như những món quà nhỏ cho nhau nữa. Khách mua vàng cho đám cưới cũng mua ít đi 25-30% về trọng lượng”, ông Dilip Tulsiani, quản lý một hiệu vàng ở Zaveri, cho hay.
Không có chuyện người Ấn đã hết thích vàng, nhưng sự sụt giá của đồng Rupee so với USD đã giữ giá vàng nước này ở mức cao, cho dù giá vàng tính bằng đồng USD trên thị trường thế giới lao dốc.
Nỗ lực của Chính phủ Ấn nhằm hạn chế nhập khẩu vàng bằng cách tăng thuế nhập khẩu và đưa ra một số loại thuế mới càng khiến nhu cầu vàng của nước này đi xuống. Theo số liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), trong quý 1 năm nay, nhu cầu vàng của Ấn Độ đã giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự kết hợp giữa nhu cầu vàng suy giảm ở Mỹ, châu Âu và châu Á đang khiến giới giao dịch vàng cảm thấy lo ngại. “Tôi cho là giá vàng có thể giảm về 1.400 USD/oz, một nhà kinh doanh vàng nhận định.
Ông Marcus Grubb, một chuyên gia của WGC, cho hay, nhiều nhà quản lý tài sản đến nay cũng đã bán ra một phần vàng mà họ nắm giữ. Còn theo ngân hàng Barclays Capital, số lượng các hợp đồng đầu cơ vàng giá lên trên thị trường giao sau và quyền chọn đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 12/2008.
Tuy nhiên, trước thực trạng này, không phải ai cũng sẵn sàng kết luận rằng xu hướng tăng giá dài hạn của vàng đã kết thúc. Nguy cơ Hy Lạp phải rút khỏi Eurozone, các dữ liệu kinh tế chuyển xấu ở Mỹ và rủi ro chính trị có thể nảy sinh từ cuộc bầu cử ở Mỹ năm nay có thể sẽ “châm ngòi” cho các nhà đầu tư đổ xô quay trở lại với vàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương vẫn đều đặn mua vàng mỗi khi giá giảm.
“Chúng tôi tin là cơ hội tăng giá cho vàng vẫn còn đó”, ông Jeffrey Currie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản thuộc Goldman Sachs, nói.
Trên thực tế, từ mức đáy vào thứ Tư tuần trước, giá vàng đã có 2 phiên tăng mạnh vào cuối tuần trước, lên gần 1.600 USD/oz trước khi giảm trở lại vào đầu tuần này.
“Hai tuần trở lại đây, chúng tôi bắt đầu đặt mua nhiều vàng hơn”, ông Terry Hanlon, người phụ trách mảng kim loại của Dillon Gage, một công ty kinh doanh và tinh luyện kim loại quý, cho biết. Còn ở chợ vàng Zaveri Bazaar, người tiêu dùng cũng đã rục rịch tăng mua khi giá vàng giảm.