Món tiền lớn của các tỉ phú đến từ đất nước vạn đảo chìa ra trong bối cảnh khó khăn khiến những người giàu có tốp đầu tại Việt Nam cũng xiêu lòng.
Đổ tiền vào bất động sản, xây dựng
Giữa tháng 8-2014, Lucerne Enterprise Ltd có liên quan tới Tập đoàn Salim của tài phiệt người Indonesia từng có thời giàu nhất châu Á Liem Sioe Liong đã nâng tỉ lệ sở hữu tại Công ty Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (HBC) từ 19,28% lên 20,88% sau khi mua 10 triệu cổ phiếu HBC phát hành riêng lẻ trong nửa cuối 2013 trở thành cổ đông lớn nhất HBC.
Lucerne Enterprise là cái tên khá quen thuộc với giới đầu tư chứng khoán gần đây, nhất là khi tổ chức này bất ngờ liên tiếp mua thêm khoảng 500.000 cổ phiếu giá rẻ STL của Sông Đà Thăng Long ở mức dưới 3.000 đồng/cp, nâng sở hữu lên gần 1,34 triệu (tương đương 8,91%) ngay trước khi STL bị hủy niêm yết bắt buộc hồi cuối tháng 7-2013.
Không chỉ mua công ty xây dựng STL, Lucerne Enterprise có “món khoái khẩu” là các DN giá rẻ khác, như SDH và APS.
Giữa tháng 5-2014, Lucerne Enterprise tiếp tục mua thêm 250.000 cổ phiếu SDH của Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Sông Đà, nâng tỉ lệ sở hữu lên 20,43% (tương đương gần 4,2 triệu cổ phiếu). Trước đó, hồi tháng 3, công ty Indonesia trên cũng đã mua thêm 445.000 cổ phiếu APS của Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương để nâng tỉ lệ nắm giữ lên 8,21% (tương đương hơn 3,2 triệu cổ phiếu).
Gom mua các cổ phiếu giá rẻ như STL và APS, mặt khác, tài phiệt người Indonesia cũng mua các cổ phiếu tốt như HBC và gần đây là thương vụ mua thêm 335.000 cổ phiếu HUT của Công ty BĐS và xây dựng Tasco để nâng tỉ lệ nắm giữ lên 6,07%.
Giới đầu tư cũng từng chứng kiến rất nhiều đại gia Indonesia tấn công vào thị trường BĐS và xây dựng của Việt Nam. Món tiền lớn chìa ra trong bối cảnh khó khăn khiến những người giàu có tốp đầu tại Việt Nam cũng siêu lòng.
“Rỉa”cả “xác chết”, mua đứt đại gia Việt
Hồi cuối 2012, giới đầu tư thực sự sốc khi đón nhận thông tin một tập đoàn của Indonesia đã bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng để mua nhà máy xi măng của một đại gia BĐS và xây dựng ở Việt Nam - ông Vũ Văn Tiền.
Semen Indonesia chi 150 triệu USD trong thương vụ mua lại 70% cổ phần của Nhà máy xi măng Thăng Long tại Quảng Ninh từ tay Geleximco - tập đoàn của một trong những người giàu nhất nhưng khá tín tiếng ở Việt Nam.
Mức giá được cho là quá đắt, bởi trên thực tế, Xi măng Thăng Long không thực sự lớn và nổi tiếng tại Việt Nam. Nó bé hơn nhiều so với Vicem Hà Tiên (công suất gấp 3 lần) nhưng vốn hóa thị trường khi đó còn chưa bằng thương vụ M&A nói trên.
Gần đây, Semen Indonesia lên kế hoạch đầu năm 2015 sẽ khởi công xây dựng một nhà máy xi măng mới tại Việt Nam, với vốn đầu tư 300 triệu USD. Cùng với Xi măng Thăng Long, Semen có tham vọng trở thành nhà sản xuất xi măng lớn nhất Đông Nam Á.
Đầu năm 2013, giới đầu tư cũng đã chứng kiến ReCapital Investments Pte. Ltd thuộc Tập đoàn Recapital Group của tỉ phú Indonesia Rosan Roeslani mua thêm 30 triệu cổ phiếu phát hành thêm của Công ty cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT) để nâng số lượng nắm giữ lên gần 32,5 triệu cổ phần (tương đương 35,87%).
Tỉ phú người Indonesia từng mua 70% cổ phần CLB bóng đá Inter Milan này hiện là cổ đông lớn nhất của Ninh Vân Bay, đơn vị đang sở hữu hàng loạt dự án BĐS du lịch đình đám tại Việt Nam như Emeralda Ninh Bình (Ninh Bình), Six Senses Ninh Vân Bay (Khánh Hòa), Six Senses Saigon River, Emeralda Hoi An (Quảng Nam).
Nhiều đại gia Indonesia khác cũng đã và đang triển khai nhiều dự án cũng như hợp tác kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Ciputra Group của doanh nhân người Indonesia, Ciputra. Tập đoàn này đang đầu tư dự án nổi tiếng nhưng có nhiều tranh cãi Khu đô thị Nam Thăng Long Hà Nội (Ciputra Hanoi) với tổng vốn 2,1 tỉ USD, trên một khu đất vàng gần Hồ Tây có diện tích 300ha.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Indonesia cũng đã và đang tìm kiếm cơ hội làm ăn tại Việt Nam, như: Dược phẩm Kimia Farma, Điện tử LEN, Ngân hàng Bank Mandiri, PT Telekomunikasi Indonesia International (Telin), đại gia chăn nuôi Japfa Comfeed Indonesia, Phân bón Pupuk, Dầu khí Pertamina, Khai mỏ Bukit Asam, Dirgantara Indonesia, Dynaplast...
Có thể thấy, số lượng các doanh nghiệp Indonesia quan tâm tới Việt Nam ngày càng tăng lên. Trong khoảng một năm qua, hầu hết các doanh nghiệp quốc doanh hàng đầu của Indonesia đã tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Cam kết mở cửa, trở thành một thị trường ASEAN chung có lẽ đang mang tới cơ hội lớn tại Việt Nam cho các doanh nghiệp trong khu vực, trong đó có Indonesia. Với vị thế là nước có nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới, Indonesia đang có nhiều tập đoàn và tỉ phú giàu mạnh. Các đại gia đến từ đất nước vạn đảo quan tâm nhiều đến BĐS, xây dựng, thực phẩm, dầu khí, năng lượng, du lịch...
Các thương vụ thâu tóm gần đây của các đại gia Indonesia ở HBC, NVT, STL, SDH, APS... đã giúp các doanh nghiệp này giải cơn khát vốn và cổ phiếu cũng tăng gấp vài lần trong thời gian ngắn.
Mỗi nhà đầu tư đều có mục tiêu riêng của mình. Trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy cổ phần hóa, ủng hộ mua bán sáp nhập (M&A) thì đây là cơ hội để cho các đại gia trong khu vực mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đón chờ một thị trường ASEAN chung.