Đang nổi như cồn thì cuối năm 2013, đột nhiên “cò Đại” bỏ bóng đá, lên đường sang châu Phi tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Ông Trần Tiến Đại (phải) và quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Uganda, ông Oryem Henry Okello Ảnh: Tiến Trần
Quyết định lao vào chốn thương trường khắc nghiệt của “cò Đại” đã để lại sự hụt hẫng lớn cho anh em cầu thủ, những người từng chịu ơn nhà môi giới đa năng này. Bẵng đi 2 năm không gặp, tình cờ nghe tin ông đang ở TP HCM chữa bệnh, chúng tôi liền tìm gặp “nhân vật đặc biệt” một thời của bóng đá Việt Nam này.
Trần Tiến Đại khiêm tốn cho rằng ông chưa có thành quả gì đáng để được gọi là doanh nhân. Nghỉ làm bóng đá, ông tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Uganda, quốc gia được xem là cửa ngõ kinh tế của khu vực Đông Phi. Tuy nhiên, mọi thứ với ông mới chỉ bắt đầu.
“Cuối năm 2013, tôi thành lập Công ty CP TM Việt Nam Châu Phi, chuyên tư vấn cho các nhà đầu tư của Việt Nam và các nước ở khu vực Đông Phi về nhiều lĩnh vực, từ tài chính ngân hàng, khai thác khoáng sản, năng lượng, bảo hiểm, khách sạn - du lịch cho đến dược phẩm... Tôi mở văn phòng đại diện ở Uganda, một thị trường còn rất mới mẻ và đầy hấp lực. Nhờ mối quan hệ tốt với chính phủ Uganda từ lúc sang đây làm môi giới bóng đá, tôi được tạo mọi điều kiện phát triển. Dù vậy, mọi thứ còn rất khiêm tốn” - ông cho biết.
Đối với “siêu cò” một thời này, 2 năm lăn lộn trên thương trường còn quá ngắn để khẳng định thành công, nhất là khi quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Uganda tăng trưởng chưa đều. Hai nước vẫn chưa có sự trao đổi sâu rộng trong nhiều lĩnh vực thương mại. Ngoài ra, việc giao thương vẫn còn nhiều trắc trở vì chưa có đường bay trực tiếp từ Việt Nam đến Uganda cũng như Uganda chưa đặt sứ quán ở Việt Nam.
“Tuy nhiên, từ chuyến thăm hữu nghị rất thành công của Phó Thủ tướng thứ nhất Uganda, ông Henry Kajura, đến Hà Nội vào tháng 9-2014, nỗ lực làm cầu nối giữa chính phủ 2 nước của tôi đã được Uganda ghi nhận. Họ coi tôi như người bạn lớn” - ông Đại hãnh diện. Ông còn bày tỏ hy vọng sẽ sớm là cầu nối để đưa doanh nghiệp Việt Nam sang tìm kiếm cơ hội đổi đời trên mảnh đất giàu phù sa của châu Phi này.
Tự nhận là người Việt Nam tiên phong đến kinh doanh ở Uganda nhưng khi lao vào thương trường, ông Đại mới thấm thía được những khó khăn. “Tôi có cơ hội phát triển mạnh ưu thế của mình ở Uganda nhưng phải bỏ lỡ chỉ vì thiếu một đối tác có tiềm lực kinh tế hậu thuẫn. Đến lúc Tập đoàn Viettel sang Uganda tìm hiểu đầu tư thì tôi lại bị chậm chân, để vuột mất cơ hội trở thành đơn vị tư vấn cho họ. Bù lại, Uganda vẫn mời tôi tham gia toàn bộ quá trình 2 phía tìm hiểu nhau. Ngẫm lại, tôi vẫn thấy tiếc nhưng đó cũng là bài học để mình tự răn phải nỗ lực hơn nữa” - ông tâm sự.
Do công việc kinh doanh bề bộn, ông Đại phải dành 3/4 thời gian trong năm để ở châu Phi. Trong tâm trí nhiều người quan tâm đến bóng đá Việt Nam, cái tên “cò Đại” dần bị quên lãng. Tuy nhiên, với những cầu thủ chịu ơn “anh Đại” hay nhiều HLV, họ vẫn luôn nhớ đến đồng nghiệp, người bạn sống trách nhiệm và tình nghĩa này. Thậm chí, một số người còn theo ông sang Uganda.
“Tôi hiểu rõ trách nhiệm không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn cho công ty. Tôi luôn cố gắng sống hết mình với những anh em đã kề vai sát cánh cùng tôi khi bỏ bóng đá để lao vào công việc kinh doanh khó khăn ở tận một châu lục xa xôi” - ông bộc bạch.
Những tiết lộ đằng sau chuyện kinh doanh của Trần Tiến Đại lý giải vì sao nhà môi giới một thời hét ra lửa ở làng bóng đá Việt này lại được giới cầu thủ kính trọng, còn các ông bầu ngán sợ như vậy. Từng mang tiếng là “cò”, sống nhờ hoa hồng từ những thương vụ chuyển nhượng bạc tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng nhưng “anh Đại” luôn được rất nhiều cầu thủ, từ nội đến ngoại, mong muốn tìm đến nương nhờ bởi uy tín và thái độ nghĩa hiệp, luôn hết lòng với bạn bè, người thân của ông.
“Đời cầu thủ rất ngắn, giúp họ kiếm được bao nhiêu để trang trải cho cuộc sống thì mình phải cố thương thảo hết sức” - ông bày tỏ. Có thể “siêu cò” này khiến nhiều ông bầu ghét vì làm họ tốn kém rất nhiều tiền nhưng trong giới, chưa bao giờ ông Đại bị chê là sống thiếu nghĩa tình.
Cuộc sống tất bật ở quốc gia cửa ngõ Đông Phi đã giúp doanh nhân này cảm thấy đỡ nhớ bóng đá phần nào. Tuy nhiên, với một người bước ra từ “quần đùi áo số”, chuyển sang môi giới cầu thủ rồi học làm HLV, giám đốc điều hành 2 CLB V.Ninh Bình và Sài Gòn Xuân Thành, hễ nhắc đến bóng đá Việt Nam là ông lại trăn trở: “Bóng đá Việt sẽ phát triển rất mạnh nếu các ông bầu chịu ngồi chung với nhau tìm giải pháp, còn lãnh đạo LĐBĐ Việt Nam hoạch định được đường lối phát triển rõ ràng. Điều này hoàn toàn có thể làm được”.