Nếu vì lý do tâm lý mà các nhà đầu tư thực hiện yêu cầu tất toán/mua lại trái phiếu ngay lập tức (bond-run), thì doanh nghiệp dù hoạt động đang rất tốt cũng có thể bị rơi vào tình trạng trái phiếu của họ thành "xấu", hoặc mất khả năng thanh toán vì bị rút vốn đột ngột trước hạn, chứ không phải vì họ yếu dòng tiền hoặc kinh doanh kém...
Kiện toàn để phát triển bền vững
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam 5 năm trở lại đây đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng bình quân tốt nhưng quy mô còn khá nhỏ, chỉ khoảng 15% GDP, trong khi Malaysia 56% GDP, Singapore 38% GDP, Thái Lan 25% GDP. Những con số trên, đặc biệt khi quy mô nền kinh tế, GDP của Việt Nam ở top đầu ASEAN, cho thấy còn nhiều dư địa và yêu cầu phát triển kênh dẫn vốn này để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn cho doanh nghiệp, chia sẻ gánh nặng với hệ thống ngân hàng.
Tại tọa đàm mới đây về "Bước ngoặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định số 65/2022/NĐ-CP", Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính - Bộ Tài chính Nguyễn Hoàng Dương cho rằng, thị trường mặc dù tăng trưởng nhanh từ năm 2019, nhưng trong quá trình vận hành một số lỗ hổng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường đã bộc lộ. Vì lẽ đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP nhằm kiện toàn hơn nữa hoạt động thị trường.
Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam Đỗ Ngọc Quỳnh cũng cho biết, nghị định mới đã tham khảo những chuẩn mực quốc tế, quy định rõ ràng để bảo đảm tất cả các thành phần tham gia thị trường có trách nhiệm minh bạch hóa thông tin và chịu trách nhiệm với việc tham gia thị trường, khi đã nắm rõ và có thông tin một cách đầy đủ.
Sẵn sàng cho Nghị định số 65
Chia sẻ quan điểm với báo chí, chuyên gia Nguyễn Quang Thuân cho rằng, nhìn ở góc độ tính an toàn hệ thống tài chính thì những tác động dây chuyền từ trái phiếu có mức độ rủi ro là khá thấp mặc dù có thể sẽ có thêm một số trường hợp chậm trả lãi hoặc gốc nhưng chắc chắn chỉ mang tính chất đơn lẻ.
Trong khi đó, thị trường đã ấm dần lên. Số dư trái phiếu doanh nghiệp vào cuối tháng 9-2022 giảm còn khoảng 1,3 triệu tỉ đồng do hoạt động mua lại gia tăng cũng như hoạt động phát hành mới có mức độ thấp. Trong số này nếu trừ đi số trái phiếu do ngân hàng phát hành (vốn có rủi ro thấp hơn nhiều), thì trái phiếu doanh nghiệp do các đơn vị phi ngân hàng phát hành giảm, chỉ còn hơn 909 ngàn tỉ đồng, trong đó trái phiếu của ngành bất động sản vào khoảng 455 ngàn tỉ đồng, chỉ chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.
Đáng chú ý, trong thời gian vừa qua, theo thống kê của VBMA, có hàng loạt doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn lên tới hơn 142 ngàn tỉ đồng, lượng phát hành thêm còn khá nhỏ. Giới chuyên môn đánh giá qua đó, các tổ chức đã sẵn sàng cho áp dụng Nghị định 65 trong giai đoạn mới. Và điều này không chỉ giúp giảm bớt áp lực đáo hạn vào cuối năm mà còn có cơ hội đưa giai đoạn phục hồi của thị trường trái phiếu đến sớm hơn. Theo đó, chuyên gia dự báo thị trường trái phiếu sẽ giải tỏa "cơn khát", tăng trở lại trong thời gian tới, nhất là năm 2023.
Các ngân hàng, công ty chứng khoán tăng cường chất lượng dịch vụ để tham gia tích cực vào công tác tư vấn, phân phối, bảo lãnh… trái phiếu doanh nghiệp, góp phần xây dựng một kênh đầu tư lành mạnh bên cạnh đầu tư chứng khoán hay gửi tiết kiệm. Người dân có vốn nhàn rỗi có khả năng tối ưu, đa dạng kênh đầu tư của mình, vừa tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp phát triển. Cùng đó, Bộ Tài chính cùng các đầu mối chức năng thường trực bám sát thực tiễn để đồng hành, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, bảo vệ những doanh nghiệp phát hành trái phiếu tốt.
"Sau cơn mưa trời sẽ sáng" - thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang ấm lại, dự báo tăng trưởng cao và ngày càng lành mạnh hơn; lợi ích của nhà đầu tư, của doanh nghiệp sẽ càng được củng cố và nâng cao, cũng như một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế sẽ ngày càng phát triển bền vững hơn.