Tìm cơ hội trong nhóm dệt may
Tuần qua, thanh khoản trung bình toàn thị trường tăng đáng kể so với tuần trước đó, thường xuyên đạt trên 10.000 tỷ đồng/phiên.
Sau đợt điều chỉnh cuối tháng 10, giá trị giao dịch mỗi phiên từ 10.000 - 11.000 tỷ đồng cho thấy, kênh đầu tư chứng khoán vẫn rất hấp dẫn. Số lượng tài khoản chứng khoán mới tiếp tục tăng, kéo theo lượng tiền đổ vào thị trường không hề nhỏ.
Trong bối cảnh nhiều cổ phiếu tạo lập mặt bằng giá ở mức cao so với trước và thị trường bước vào vùng trũng thông tin từ các doanh nghiệp, nhu cầu tìm kiếm cơ hội đầu tư gia tăng.
Đơn hàng đang dần quay trở lại với các doanh nghiệp dệt may. Ảnh: Dũng Minh.
Cổ phiếu STK của Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ được một công ty chứng khoán khuyến nghị mua từ đầu tháng 11/2020 với giá mục tiêu trong 12 tháng tới là 21.600 đồng/cổ phiếu, lợi nhuận kỳ vọng 20%, dựa trên kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận mỗi cổ phần (EPS) là 36% trong năm 2021 và P/E mục tiêu 11,3 lần, so với thời điểm báo cáo là P/E 9,8 lần với EPS 12 tháng gần nhất.
Tính đến ngày 19/11/2020, thị giá cổ phiếu STK đạt 19.800 đồng/cổ phiếu. Mức tăng giá này đến sớm hơn dự kiến, một phần đến từ kỳ vọng nhu cầu phục hồi và lợi thế của Công ty trong việc mở rộng sản phẩm danh mục cao cấp, tham gia vào chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp với yêu cầu kỹ thuật cao.
Như nhiều doanh nghiệp khác, bệnh dịch Covid-19 khiến nhu cầu đối với sản phẩm dệt may suy giảm, tác động mạnh đến tình hình kinh doanh của STK.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 1.197 tỷ đồng và lãi ròng 75 tỷ đồng, lần lượt giảm 28% và 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, điểm tích cực là đơn hàng hồi phục dần từ giữa quý III.
Bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc chiến lược STK chia sẻ, doanh nghiệp bắt đầu chạy đủ công suất từ tháng 9, nhờ đơn hàng dần hồi phục do tâm lý của khách hàng ở một số thị trường lớn như Mỹ, EU thích nghi với tình hình dịch bệnh. Từ quý IV/2020, các nhà máy chạy 100% công suất và đơn hàng tiếp tục tăng.
Bà Chi kỳ vọng, trong quý cuối năm, kết quả kinh doanh có thể hồi phục, bằng 90 - 95% quý I, tức doanh thu khoảng 500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 45 tỷ đồng. Cả năm 2020, STK ước đạt doanh thu 1.700 tỷ đồng và lợi nhuận 120 tỷ đồng, hoàn thành trên 90% kế hoạch.
Trong khi đó, đơn vị có chuỗi sản xuất khép kín như Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) cũng được giới đầu tư đánh giá là trường hợp ứng phó linh hoạt và hiệu quả với dịch bệnh, chuyển đổi nhanh sản phẩm sang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ y tế.
Tính đến hết tháng 9/2020, TCM đạt doanh thu 2.718 tỷ đồng, giảm 2,5% so với cùng kỳ và bằng 71,9% kế hoạch năm; lợi nhuận 200 tỷ đồng, tăng 30,7% so với cùng kỳ và bằng 105,8% kế hoạch năm.
Hoạt động xuất khẩu chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu doanh thu của TCM, các thị trường xuất khẩu chính bao gồm Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc. Với thị trường nội địa, tỷ trọng doanh thu tăng qua các năm, từ mức 8,6% năm 2016 lên 15,27% trong 9 tháng đầu năm 2020.
Ônh Trần Như Tùng, thành viên Hội đồng quản trị TCM cho biết, trong quý IV, đơn hàng đồ bảo hộ y tế không nhiều như các quý trước, nhưng đơn hàng truyền thống đang phục hồi (tập trung ở hàng thể thao, thun).
Với diễn biến này, cả năm 2020, dự đoán lợi nhuận sau thuế của Công ty có thể vượt 30% kế hoạch.
Một doanh nghiệp dệt may đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2020 sau 9 tháng là Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC), đạt 705 tỷ đồng (kế hoạch cả năm là 700 tỷ đồng), tăng 78% so với cùng kỳ năm 2019. Kế hoạch kinh doanh quý IV của DGC là doanh thu 1.750 tỷ đồng, tăng 21%; lãi sau thuế 240 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.
Ông Đào Hữu Duy Anh, Tổng giám đốc DGC cho hay, Công ty đang tập trung đầu tư phát triển sản phẩm acid phosphoric điện tử với độ tinh khiết cao dùng cho chipset, màn hình tinh thể lỏng, dây điện… Hiện doanh nghiệp đang làm việc cùng các đối tác ở Hàn Quốc và Nhật Bản.
Kỳ vọng quý IV với nhóm bất động sản
Cổ phiếu CTI của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO từ lâu có diễn biến giảm mạnh. Mới đây, cổ phiếu này tăng giá trần trong phiên 19/11 sau 4 phiên đứng giá, đạt 13.350 đồng/cổ phiếu. Nhà đầu tư kỳ vọng Công ty sẽ ghi nhận lợi nhuận đột biến trong quý IV/2020 nhờ tận dụng được cơ hội từ chủ trương tăng tốc đầu tư công.
Bà Phạm Mai Thu, Phó tổng giám đốc CTI cho biết, trong quý IV, Công ty sẽ hạch toán phần lớn dự án Nhà ở xã hội CTI Tower, doanh thu khoảng 200 - 300 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 10%.
Ngoài ra, Công ty sẽ ghi nhận doanh thu từ mảng xây lắp. Trong 9 tháng đầu năm 2020, CTI đạt doanh thu 468 tỷ đồng, bằng 34% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế 79,4 tỷ đồng, bằng 70% kế hoạch năm.
Quý IV thường là "điểm rơi" lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản. Yếu tố này được các nhà đầu tư kỳ vọng, nhưng năm nay chịu sự tác động của Covid-19, liệu doanh nghiệp ngành này có sự đột biến trong quý cuối năm để hoàn thành kế hoạch kinh doanh?
"Điểm rơi" lợi nhuận của khối doanh nghiệp bất động sản năm nay có thể sẽ rất "nhẹ"
Ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần LDG nhìn nhận, 2020 là một năm mà cả ngành bất động sản đều khó khăn. "Rất nhiều đơn vị hỏi tôi về kết quả kinh doanh, tôi đều chia sẻ rằng, thị trường chung đều xám thì mình không thể sáng lên được", ông Khang nói. Trong 9 tháng đầu năm, LDG chỉ đạt 13 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi kế hoạch cả năm là 601 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Netland (NRC) cho rằng, năm nay, nhà đầu tư mong muốn kết quả lợi nhuận vượt trội từ bất động sản là rất khó.
Dự báo chung là lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản sẽ không đạt kế hoạch, đạt 30 - 50% là tốt, thậm chí chỉ 10%, nhưng hầu như sẽ không lỗ. Với NRC, Công ty chắc chắn sẽ không hoàn thành được kế hoạch, nhưng lợi nhuận dự kiến ở mức tương đối, không đến nỗi quá thất vọng. Hiện Công ty vẫn đang bán hàng, ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ các dự án tại Bình Dương, Bình Định, Đà Nẵng, Nha Trang…
Được biết, năm 2020, NRC đặt kế hoạch doanh thu 900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9, Công ty đạt 151 tỷ đồng doanh thu, 9,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) nhận xét, 3 năm qua, đa số doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP.HCM không có dự án được chấp thuận đầu tư mới nên về cơ bản là không có thêm sản phẩm cung cấp ra thị trường, nguồn thu chủ yếu trông chờ vào "hàng tồn" từ các dự án cũ tiếp tục mở bán.