Từ chợ Long Biên đến siêu thị
Thực hiện tháng cao điểm về ATTP, siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh, sơ chế rau, củ, quả tại các cơ sở sản xuất, phân phối trên địa bàn TP, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội đã quyết định thanh tra đột xuất hàng loạt điểm phân phối lớn, trọng tâm là các siêu thị và điểm sản xuất rau quả lớn. Đáng nói, chỉ qua một vài điểm kiểm tra cho thấy, hàng hóa Trung Quốc đã len lỏi vào tận các siêu thị lớn, có tiếng trên địa bàn.
Tại siêu thị Hiway Hà Đông (Công ty CP Hiway Việt Nam), một trong những siêu thị lớn trên địa bàn TP, hàng hóa rau, củ, quả tươi khá đa dạng, từ các loại rau xanh ăn lá như rau cải, mồng tơi, cải bắp, đến các loại củ như cà rốt, su hào, khoai lang và các loại quả tươi. Đặc biệt, rất nhiều trong số này có nguồn gốc Trung Quốc, như khoai tây, hành tây, cà rốt, cải bắp, cải thảo, súp lơ xanh - trắng, đến hành tỏi khô.
Ngoài ra, có mặt hàng, siêu thị Hiway Hà Đông lập lờ nguồn gốc như củ cải trắng. Được bày bán với tấm biển ghi nguồn gốc xuất xứ Việt Nam, song trước thắc mắc của Đoàn thanh tra “mùa này Việt Nam không trồng được củ cải trắng, hơn nữa củ cải trắng Việt Nam không to như vậy”, thì đại diện siêu thị Hiway mới thừa nhận, “củ cải nhập từ Trung Quốc, có lẽ do nhân viên ghi nhầm xuất xứ”.
Chị Hiền, sinh sống tại phố Tô Hiệu - Hà Đông cho biết: “Tôi cũng rất băn khoăn khi biết cà rốt bán tại siêu thị này được nhập từ Trung Quốc. Để rau củ đảm bảo, tôi đã không dám mua tại chợ dân sinh mà tìm vào tận đây để mua một ít về dùng, nhưng vẫn là hàng Trung Quốc”.
Bất ngờ hơn, kiểm tra trên sổ sách, giấy tờ cho thấy, toàn bộ số rau, củ, quả có nguồn gốc Trung Quốc bán tại siêu thị Hiway Hà Đông được nhập từ chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), Bình Điền (TP HCM). Chẳng hạn, lê, xoài, đào được nhập từ chợ Long Biên; cà chua, cải thảo, bắp cải, súp lơ xanh- trắng, cà rốt, dưa lưới vàng được nhập từ một công ty ở TP Lào Cai và Lạng Sơn; hành khô, tỏi khô được nhập từ chợ đầu mối nông sản Bình Điền… Đây là những nơi rất khó kiểm soát an toàn thực phẩm.
Cửa khẩu kiểm tra ATTP bằng mắt
Theo tìm hiểu, rau, củ, quả Trung Quốc vào Việt Nam theo 2 hình thức, nhập khẩu chính ngạch qua đường cửa khẩu, hoặc được cư dân biên giới vận chuyển theo chính sách biên mậu, sau đó thu gom và đưa về xuôi. Mặc dù, hàng hóa nhập khẩu chính ngạch được kiểm tra về dịch hại và ATTP nhưng chỉ bằng cảm quan.
Các lô hàng nhập qua các cửa khẩu nếu có “Giấy chứng nhận kiểm dịch và ATTP hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu” thì đã xem như có “lá bùa” để được đưa đi tiêu thụ khắp nơi. Nhưng đáng nói, Giấy chứng nhận chứng minh lô hàng đảm bảo ATTP chỉ nêu rằng “Lô hàng trên có kết quả kiểm tra hồ sơ, ngoại quan đáp ứng yêu cầu về ATTP”.
Điều đó cho thấy việc chứng nhận một lô hàng rau, củ, quả tươi đảm bảo ATTP chỉ bằng mắt! Có lẽ, điều này cũng lý giải cho thực tế đang tồn tại bấy lâu, dù có cơ quan “gác cửa” về ATTP đối với rau quả nhập khẩu, nhưng hàng năm vẫn phát hiện hàng trăm tấn hoa quả nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép tràn vào thị trường, đến tay người tiêu dùng.
Cục Bảo vệ thực vật cho hay, từ đầu năm đến nay, chưa phát hiện lô hàng nào nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép đối với rau, củ, quả nhập khẩu. Song, với cách kiểm tra ATTP tại các cửa khẩu như hiện nay, kết quả này liệu có phản ánh đúng thực tế, người tiêu dùng có thể yên tâm khi mà rau, củ, quả Trung Quốc ngày một lấn lướt rau quả nội, tràn ngập thị trường?
Thông tin Việt Nam không nhập táo Úc thiếu chính xác
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho hay, thông tin trong 7 tháng đầu năm 2014 Việt Nam chưa nhập bất kỳ một lô táo nào từ New Zealand và Úc là không chính xác. Số liệu từ Cục này cung cấp cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 17.000 tấn táo từ Úc, xấp xỉ 2.000 tấn táo từ New Zealand.
Trước đó, có thông tin cho rằng, từ đầu năm đến nay, Việt Nam chưa nhập bất kỳ lô táo nào từ Úc và New Zealand. Thông tin này đã khiến người kinh doanh, người tiêu dùng bức xúc và hoang mang. Vì, trên thị trường, loại táo nhập khẩu từ 2 quốc gia này đang được bày bán phổ biến.