Trong dự thảo tờ trình dự án Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có đề cập đến con số nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ tín dụng.
Cụ thể theo NHNN, sau 4 năm triển khai thực hiện đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” và sau hơn 3 năm triển khai thực hiện đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC, các tổ chức tín dụng đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu.
Tính đến 31-12-2015, các tổ chức tín dụng đã xử lý được 493.090 tỉ đồng nợ xấu. Và đến cuối tháng 31-12-2016, tỉ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 2,46%.
Tuy nhiên, tỉ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Tính đến 31-12-2016, tỉ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.
Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu bước đầu đã đạt được kết quả khả quan nhưng pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập; thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động. Do đó NHNN cho rằng cần phải tiếp tục và sớm có giải pháp xử lý quyết liệt trong thời gian tới không để tác động xấu đến an toàn hệ thống và bảo đảm tính khả thi của việc xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.
Và để tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2016-2020 đáp ứng nhu cầu thực tiễn, khắc phục những khó khăn, hạn chế của các tổ chức tín dụng, góp phần bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống tổ chức tín dụng và nền kinh tế, NHNN cho rằng việc cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu theo hình thức ban hành Luật riêng về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu là giải pháp quan trọng và cần thiết.
Hiện dự thảo Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu đang được lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt.
Trước đó, trong báo cáo kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cũng cho biết trong số nợ xấu đã được xử lý từ năm 2012-2015 (khoảng 500.000 tỉ đồng), chủ yếu các tổ chức tín dụng tự xử lý chiếm 55,4%, số còn lại là bán cho VAMC. Nhưng số nợ xấu bán cho VAMC được xử lý còn ở mức khiêm tốn là một trong những nguyên nhân khiến cho mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn không giảm được nhiều trong năm 2016 mặc dù các yếu tố vĩ mô như lạm phát, tỉ giá ổn định hỗ trợ tích cực.
Trong năm 2017, VAMC đặt mục tiêu xử lý 33 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Và Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng, việc xử lý nợ xấu tại VAMC đang có chiều hướng tích cực với những bước đi cụ thể, rõ ràng hơn. Khi việc đề xuất xây dựng Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu của NHNN, trong đó có nêu một số cơ chế riêng cho VAMC và các NH thương mại trong quá trình xử lý nợ xấu…
Do đó, năm nay được kỳ vọng sẽ có sự cải thiện về khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu tại một số ngân hàng yếu kém, từ đó hỗ trợ mục tiêu ổn định lãi suất.