Dù mới nửa chặng đường của năm 2018, hàng loạt ngân hàng thương mại báo lợi nhuận tăng mạnh trong bối cảnh nợ xấu giảm dần, tín dụng tăng chậm. Đặc biệt, lãi từ dịch vụ của nhiều ngân hàng tăng cao.
Lãi từ dịch vụ tăng cao
Ở khối ngân hàng (NH) thương mại nhà nước, các "ông lớn" NH đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm trước đó như Vietcombank, Vietinbank... đều có những kết quả khả quan. Cụ thể, Vietcombank đã cập nhật con số lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm lên tới 7.722 tỉ đồng, tăng 52,7% so với cùng kỳ. Vietcombank tiếp tục là NH thương mại dẫn đầu hệ thống về quy mô lợi nhuận tính theo số tuyệt đối.
Với khối NH cổ phần, NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2018, cho thấy tốc độ tăng trưởng huy động vốn và cho vay đều ở mức khá cao, lần lượt là 17% và 13% so với cùng kỳ. Tỉ lệ nợ xấu giảm xuống mức hơn thời điểm đầu năm. Với mức lợi nhuận 666,3 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, điểm đáng lưu ý là lãi từ mảng dịch vụ tăng mạnh tới 195% so với cùng kỳ. NH này cũng trích lập dự phòng cổ phiếu chứng khoán đầu tư tăng đáng kể do ảnh hưởng từ biến động chung của thị trường.
Lãi từ dịch vụ của nhiều ngân hàng tăng cao.
NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng vừa tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, với mức lợi nhuận trước thuế được công bố đạt gần 1.000 tỉ đồng, tương đương 54,2% kế hoạch năm. Cụ thể, định hướng của NH này là tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, tập trung vào phát triển các ngành nghề nhiều triển vọng giúp tín dụng tăng 9,6% so với đầu năm. Tổng thu nhập của Sacombank hơn 5.000 tỉ đồng tăng 49,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thu từ dịch vụ đạt tới 1.134 tỉ đồng, tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ,
Đáng lưu ý, Sacombank đã thu hồi được hơn 3.600 tỉ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong 6 tháng đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu hiện đã giảm còn 3,3% từ mức 4,28% vào cuối năm ngoái và dự kiến sẽ tiếp tục giảm về mức 3% vào cuối năm nay.
Trong khi đó, một NH thương mại khác cũng công bố báo cáo tài chính quý II/2018 với mức lợi nhuận hợp nhất tăng mạnh so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận trước thuế của NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) trong nửa đầu năm đạt tới 4.375 tỉ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Các phân khúc chiến lược như tài chính tiêu dùng, khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục là những trụ cột đóng góp phần lớn vào doanh thu của VPBank trong nửa đầu năm.
Trong tổng lợi nhuận trước thuế của VPBank, lợi nhuận của Công ty tài chính FE Credit hiện còn đóng góp vào khoảng 36%, tương đương khoảng 1.575 tỉ đồng. Mức tỉ trọng đóng góp của Fe Credit đã giảm đáng kể so với trước đây.
Một NH thương mại khác có mức báo lãi ngàn tỉ trong nửa đầu năm là NH TMCP Quốc tế (VIB), khi lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 1.151 tỉ đồng, tăng 201% so với cùng kỳ. Kết quả này theo lãnh đạo VIB đến từ việc doanh thu ròng đạt 2.701 tỉ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ nhưng chi phí hoạt động tiếp tục được kiểm soát tốt.
Xu hướng chuyển sang lợi nhuận phi tín dụng
Trong bức tranh lợi nhuận nửa đầu năm của các NH thương mại có thể thấy lãi từ dịch vụ chiếm tỉ trọng ngày càng lớn, đóng góp vào hoạt động kinh doanh của NH. Chẳng hạn, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng quy mô và lợi nhuận của VIB là mảng NH bán lẻ, khi quy mô dư nợ cho vay cá nhân đang ở nhóm cao nhất trong số các NH cổ phần. Cho vay ô tô tại NH này đang chiếm trên 30% thị phần về giải ngân mới, trong khi cho vay mua nhà tăng trưởng tới 78%...
Trong báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2018 của NH TMCP Sài Gòn (SCB) cũng có điểm đáng lưu ý là doanh thu từ dịch vụ đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của NH. Chẳng hạn, SCB hiện đang nắm giữ danh mục đầu tư khá cao với số dư cuối tháng 6 lên tới 67.795 tỉ đồng, là một trong những NH có hoạt động đầu tư tích cực nhất trên thị trường kinh doanh trái phiếu, mang về khoản lợi nhuận xấp xỉ 250 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Hoạt động dịch vụ của NH này cũng tăng mạnh 65% so với cùng kỳ, với mức thu nhập thuần 319 tỉ đồng. Sau thời gian dài tái cơ cấu hậu sáp nhập, NH này bắt đầu "trở lại đường đua" với mức lợi nhuận tăng đáng kể. Dù vậy, lãnh đạo SCB cho biết trong khoảng thời gian còn lại NH sẽ gặp khó khăn nhất định do gánh nặng trích lập dự phòng bào mòn lợi nhuận (trong 6 tháng đầu năm, NH này đã trích lập hơn 1.850 tỉ đồng rủi ro tín dụng. Áp lực cạnh tranh về chính sách giá, phí giữa các NH thương mại cũng gay gắt hơn.
Không công bố con số tuyệt đối, nhưng NH TMCP Nam Á (Nam A Bank) cho biết lợi nhuận trước thuế của NH này trong 6 tháng đầu năm đạt tới 97,3% kế hoạch năm. Như vậy, NH này đã gần hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của cả năm...
Trao đổi với báo Người Lao Động, chuyên gia tài chính TS Bùi Quang Tín nhận xét điểm đáng lưu ý trong bức tranh lợi nhuận của các NH thương mại nửa đầu năm là xu hướng lợi nhuận dịch chuyển từ tín dụng sang dịch vụ. Đây là tín hiệu tích cực của ngành NH. Và khi phân tích chi tiết sẽ thấy, trong lợi nhuận phi tín dụng có khoản kinh doanh ngoại hối. Nếu khoảng 5-7 năm về trước, kinh doanh ngoại hối chủ yếu đến từ doanh thu chênh lệch đầu cơ ngoại hối là vàng, USD…
Vài năm nay, kinh doanh ngoại hối xuất phát từ các hoạt động như bán sản phẩm phái sinh ngoại hối, bảo hiểm rủi ro ngoại hối cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Các nguồn thu này ổn định hơn và bền vững hơn. Một trong những khoản đem về lợi nhuận cho NH thương mại là tiếp tục hoàn nhập dự phòng nợ xấu, nhờ quá trình xử lý nợ xấu tích cực hơn. Việc thoái vốn cổ phần cũng giúp lợi nhuận của một số NH thương mại tăng cao hơn.
"Bức tranh lợi nhuận NH nửa đầu tháng là khá sáng sủa. Nếu nhìn cả năm 2018, trong những tháng còn lại của năm thị trường chứng khoán đang liên tục giảm sút sẽ khiến việc thoái vốn cổ phần khó tiếp tục đạt như kỳ vọng. Nguồn thu từ tín dụng cũng sẽ không nhiều như nửa đầu năm, do chỉ tiêu tín dụng cả năm của hệ thống NH khoảng 17% nhưng đến giờ, nhiều NH đã tăng 9%-10% thậm chí sắp "đụng trần" hạn mức cho vay. Do đó, để hoàn toàn chỉ tiêu lợi nhuận cả năm là bài toán không đơn giản" – TS Bùi Quang Tín nói.