Người tiêu dùng Trung Quốc đang chi tiêu thận trọng hơn trong năm qua. Họ ít mua ôtô, điện thoại thông minh và các thiết bị tiêu dùng hơn. Họ thà để tiền trong ngân hàng. Đối với giới trẻ nước này, những người chưa trải nghiệm đợt suy thoái kinh tế nào trong đời thì sự thay đổi hiện nay là một điều nghiêm trọng.
Triển vọng việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học đã tệ hơn trong năm qua, theo dữ liệu từ trang việc làm Zhaopin. Lượng sinh viên ra trường tìm việc nhiều hơn lượng tuyển dụng. Đó là chưa kể nhiều vị trí thuộc về ngành dịch vụ có lương thấp.
"Với những người trẻ độ tuổi 20, đây là lần suy thoái kinh tế đầu tiên mà họ thực sự trải nghiệm, ngay khi còn trẻ", Andrew Polk - Nhà sáng lập Trivium, một công ty tư vấn trụ sở tại Bắc Kinh, bình luận.
Người trẻ trên một con phố mua sắm ở Trung Quốc. Ảnh: The New York Times
Wang Junda làm việc hợp đồng ngắn hạn tại một khu phức hợp rộng lớn tại Trịnh Châu, nơi iPhone được sản xuất. Chàng thanh niên 27 tuổi có gương mặt tươi tắn, từng làm tài xế chạy Didi, một ứng dụng gọi xe kiểu Uber. Anh đang làm việc để thi lấy bằng lái xe tải với hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, anh lo rằng sẽ không bao giờ làm đủ.
"Bất kể bạn kiếm được bao nhiêu vẫn không đủ để chi tiêu", Wang nói.
Người tiêu dùng Trung Quốc - một lực lượng mạnh mẽ, đại diện cho 4.900 tỉ USD hoạt động kinh tế mỗi năm - thắt chặt chi tiêu sẽ tác động đến toàn cầu. Nhu cầu cao của họ đối với nhà cửa, ôtô và iPhone đã thay đổi thế giới, tạo sức mạnh phát triển cho thế giới, giúp các công ty như Apple hay General Electric thịnh vượng.
Sự bất an có thể được tìm thấy trên khắp Trung Quốc, từ các thủ phủ thương mại Thượng Hải, Thâm Quyến đến những nơi bình dân hơn như Trịnh Châu, đô thị công nghiệp với 10 triệu dân.
Tại một trung tâm thương mại ở Trịnh Châu, Wang Li quan sát khi vài người mua sắm đi lang thang gần đó. Như nhiều chủ quầy hàng đang buồn chán khác, cô chỉ còn cách ngồi xem video trên điện thoại trong khi chờ khách.
"Không có gì là bán chạy, không chỉ một loại mặt hàng mà tất cả đều như thế", Wang nói. Quầy của cô bày bán khăn, các chai nước và cốc lưu niệm.
Thị trường tiêu dùng Trung Quốc vẫn còn sức mạnh. Doanh số bán lẻ nước này tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn với tốc độ mà các nước khác phải ghen tị. Vài mặt hàng thực tế có giảm, như điện thoại thông minh, nhưng một phần là do sự trưởng thành tự nhiên của thị trường.
Tuy nhiên, mức độ giảm tốc là đáng quan tâm. 100 nhà bán lẻ lớn nhất ở Trung Quốc đã chứng kiến doanh số giảm mạnh trong những tháng gần đây, theo Capital Economics. Doanh số bán mì ăn liền, được coi là một chỉ số cần chú ý bởi người Trung Quốc giàu có thường ăn ngoài hay đặt hàng chứ ít tiêu thụ sản phẩm này, lại đang tăng sau khi vài năm suy giảm.
"Tin xấu là tất cả chỉ số phản ánh chi tiêu của người tiêu dùng đang giảm dần và xu hướng cơ bản có lẽ sẽ tệ hơn", Ernan Cui - Nhà phân tích người tiêu dùng tại Gavekal Dragonomics nhận định.
Kinh tế chậm lại, còn chi phí sinh hoạt đang tăng lên. Những người trẻ tuổi đã mất khả năng tiếp cận thị trường nhà ở tại những nơi giàu có như Bắc Kinh và Thượng Hải. Nhiều người chấp nhận vay thế chấp và cà thẻ tín dụng để trang trải chi tiêu.
Mengjie Wu và chồng sắp cưới chưa biết khi nào sẽ tổ chức hôn lễ. Ảnh: The New York Times |
Mengjie Wu, một cư dân Thượng Hải, là nhân viên công ty công nghệ, đang lo lắng về giá các loại thực phẩm cơ bản, tiêu biểu như thịt, và thuốc cho mẹ cô. Cô có một khoản vay thế chấp cần phải trả. Hiện cô và chồng chưa cưới đang cân nhắc cho một chi tiêu quan trọng: làm đám cưới.
"Chúng tôi chưa quyết định bởi đó không phải là khoản chi tiêu nhỏ", cô nói. Wu năm nay 30 tuổi. Cô ước mơ có một chiếc nhẫn Tiffany và tổ chức buổi lễ ở Bali (Indonesia). "Chúng tôi sẽ không tiến hành trong tương lai gần", Wu cho biết.
Những năm qua, người tiêu dùng là một phần động cơ tăng trưởng của Trung Quốc. Nước này mở cửa ra thế giới vào cuối những năm 1970, kết nối các công ty toàn cầu với một tỷ người mong muốn bỏ lại nghèo đói. Khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển, một nền văn hóa tiêu dùng mới xuất hiện, với hàng trăm triệu người tiêu dùng. Chi tiêu của các hộ gia đình hiện chiếm gần 40% trong khoảng 13.000 tỷ USD hoạt động kinh tế hàng năm của Trung Quốc.
Trung Quốc đã trở thành một phần thiết yếu của nền kinh tế toàn cầu. Chỉ riêng người tiêu dùng Trung Quốc đã chiếm một phần bảy mức tăng trưởng của thế giới trong thập kỷ qua, theo Boston Consulting Group. General Motors và các đối tác Trung Quốc bán nhiều ôtô ở Trung Quốc hơn ở Mỹ.
Giờ thì, lượng người không muốn chi tiêu ở Trung Quốc ngày càng tăng . Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết số người dân đô thị thà để tiền trong ngân hàng hơn là chi tiêu hay đầu tư đang tăng.
Khi tăng trưởng thu nhập chậm lại, các hộ gia đình mua sắm ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn. Các ngành như ôtô và điện thoại thông minh đang thu hẹp khi lần đầu tiên lượng người mua các mặt hàng này giảm. Thương mại điện tử vẫn đang bùng nổ, nhưng tăng trưởng trong chi tiêu trực tuyến đã giảm hơn một nửa trong 4 năm qua, theo Boston Consulting Group.
Cuộc chiến thương mại đã làm tăng chi phí thực phẩm nhập từ Mỹ, một phần của sự tăng giá thực phẩm nói chung. Dịch tả heo châu Phi khiến giá thịt heo tăng vọt. Hồi tháng 8, khi Costco, nhà bán lẻ chuyên giảm giá của Mỹ, mở siêu thị đầu tiên tại Thượng Hải, người tiêu dùng đã tranh nhau vào mua sắm. Thế nhưng, những chiếc xe đẩy của họ đều trống rỗng, trừ những món thiết yếu như thịt, sữa và trứng.
Wu và chồng sắp cưới chi gần hết tiền lương hàng tháng của cả hai, khoảng 5.600 USD trước thuế, để trả các khoản vay. Họ dành khoảng 300 USD để mua hàng tạp hoá nhưng chi tiêu cho khoản này đã tăng một phần mười kể từ đầu năm. Wu nghĩ về chiếc nhẫn cưới Tiffany trong mơ và nói sẽ tuỳ thuộc vào chồng.
"Giá chiếc nhẫn Tiffany đắt hơn nhiều nên giờ tôi để anh ấy có thể mua bất kỳ thương hiệu nào", cô nói.