Trả lời phỏng vấn mới đây, ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch Công ty Đức Khải, cho biết sẽ mua 100 tàu sắt cũ vẫn còn hạn sử dụng 30-40 năm từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Tổng số vốn để triển khai dự án này hơn 1.500 tỉ đồng, trong đó chi phí cho đội tàu lên đến hơn 1.000 tỉ đồng. 95 chiếc là tàu cá chuyên dụng có máy móc kỹ thuật cao để khai thác hải sản tại Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng. 5 chiếc còn lại phục vụ hậu cần có nhiệm vụ chở lương thực, thực phẩm cho các tàu cá và vận chuyển hải sản về đất liền.
Để tiện cho việc phân loại, sơ chế và bảo quản hải sản, công ty sẽ mua 2 ụ nổi sức chứa 5.000 tấn đặt tại ngư trường. Ông Khải cho biết đã thỏa thuận mua 45 tàu, dự kiến về đến Việt Nam trong quý III.
Công ty có kế hoạch cho cả 2 thị trường. Trong nước, hải sản sẽ được tiêu thụ ở các chợ đầu mối. Còn thị trường nước ngoài, công ty đàm phán xuất khẩu, bán trực tiếp trên biển cho Nhật. Ông Lâm cho biết sẽ có 30 tàu lưới rê và lưới vây. 65 tàu còn lại đánh bắt cá ngừ đại dương.
Phía đối tác Nhật bao tiêu đầu ra cam kết hỗ trợ kỹ thuật phân loại sơ chế hải sản theo tiêu chuẩn. Công ty sẽ dự tính 6 năm thu hồi vốn. Từ năm thứ sáu trở đi thuyền viên được mua cổ phần của chính chiếc tàu mà họ tham gia đánh bắt.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và bà con nhiều năm bám biển miền Trung cho rằng dự án của Đức Khải thiếu khả thi, dễ thua lỗ.
Ông Mai Thành Văn là ngư dân đầu tiên ở Quảng Ngãi tham gia đóng tàu vỏ thép vươn khơi. Sau chuyến biển thử nghiệm ở Trường Sa hành nghề lưới vây trở về, tàu của ông đánh bắt được khoảng 12 tấn thủy sản. "Chi phí chuyến biển 200 triệu đồng gồm lương thực, thực phẩm và 6.000 lít dầu. Do còn thiếu kinh nghiệm, chưa quen với con tàu mới nên chuyến biển đầu tiên chỉ đủ chi phí" - ông Văn nói.
Về đội tàu 100 chiếc của Công ty Đức Khải, ông Văn cho rằng khó phù hợp cho các nhóm ngành nghề đánh bắt thủy sản trên vùng biển Việt Nam. Đây là loại tàu sắt có công suất lớn gấp đôi, gấp ba tàu trong nước hiện nay, chiếc nhất lên đến 1.500 CV. Ở nước ngoài, đội tàu này thường đánh bắt theo mùa, ngư trường có sản lượng thủy sản phong phú, chuyến biển ngắn ngày.
Còn ở Việt Nam, theo ông Văn, việc đánh bắt thủy sản diễn ra quanh năm, nguồn thủy sản không ổn định nên phải mất nhiều thời gian, tốn kém nhiều nhiên liệu để dò tìm luồng cá. "Đó là chưa kể doanh nghiệp sẽ gặp khó khi tuyển dụng, đào tạo kỹ thuật cùng lúc cho 2.000 ngư dân miền Trung; chi phí lớn để bảo dưỡng hàng năm cho đội tàu sắt đã cũ nhập từ nước ngoài về" - ông chia sẻ.
Cũng quan tâm đến thông tin của Đức Khải, một số chuyên gia thủy sản Nhật Bản cho biết trước đây Hàn Quốc từng chuyển đổi từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ sắt đánh bắt cá ngừ đại dương. Sau thời gian nhận thấy chi phí nhiên liệu quá lớn, nhiều tàu sắt phải nằm bờ đợi thanh lý, họ bắt đầu chuyển sang tàu vỏ nhựa composite nhỏ hơn để ra khơi. Trong đội tàu 100 chiếc, Công ty CP Đức Khải sắp xếp khoảng hai phần ba để đánh bắt cá ngừ đại dương, nhưng doanh nghiệp này chưa có kế hoạch chi tiết, cũng chưa chuyên sâu về lĩnh vực này.
Từng được Đức Khải mời hợp tác, ông Masakazu Shoga, chuyên gia của Công ty Kato Hitoshi General cũng e ngại tính khả thi của dự án. Ông cho biết giá mỗi kg cá ngừ tươi nguyên con cao nhất hiện nay tại Việt Nam khoảng 12 USD. Nhưng trong lần làm việc với Đức Khải mới đây, phía doanh nghiệp đặt kế hoạch giá bán tới 20 USD. Đó là chưa kể thời gian đánh bắt cá ngừ theo mùa khoảng 6 tháng trong năm (ba tháng rơi vào thời tiết mưa bão, biển động), thời gian còn lại nằm bờ.
Chủ tịch Công ty Đức Khải - ông Phạm Ngọc Lâm cho biết sẽ tuyển dụng ngư dân làm thuyền viên, được hưởng lương theo nguyên tắc sau khi đã khấu trừ mọi chi phí hoạt động, phân chia tỷ lệ thu nhập ngư dân 65%, công ty 34%. 1% sẽ đóng góp cho quỹ kiểm ngư. Những mùa mưa bão không đánh bắt được, ngư dân sẽ được nhận trợ cấp không dưới 5 triệu đồng mỗi người một tháng.
Trong khi đó, Công ty CP Đức Khải cũng đang gặp khó khăn lớn là vấn đề pháp lý nhập tàu sắt đã qua sử dụng. Căn cứ theo Điều 5, Nghị định 52 của Chính phủ về nhập khẩu tàu cá quy định, tàu cá đóng bằng vật liệu vỏ thép khi nhập vào Việt Nam không quá 8 năm, trong khi thực tế tàu cá được Công ty Đức Khải mua về đều có tuổi thọ 12 năm sử dụng. Hiện, Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (đơn vị phụ trách đăng ký tàu cá nhập khẩu) vẫn chưa nhận được văn bản của doanh nghiệp này xin đăng ký.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết Bộ chỉ mới nghe thông tin doanh nghiệp này có ý định kinh doanh 100 tàu vỏ sắt chứ chưa nghe Công ty này báo cáo kế hoạch gì cụ thể về dự án đánh bắt thủy sản.