Khách hàng rút tiền tại cây ATM bằng mã số nhận từ smartphone, không cần dùng thẻ như trước đây- Ảnh: HỮU THUẬN
Nếu người dân biết sử dụng thẻ sẽ có lợi không nhỏ...
Liên tục khuyến mãi
Với nhiều lợi ích, nhất là giúp giảm chi phí hoạt động và tăng khách hàng thường xuyên, các ngân hàng đang bùng nổ các chương trình liên kết, khuyến mãi cho khách sử dụng thẻ.
Có ngân hàng liên kết với siêu thị, nhà hàng để giảm giá từ 10-20% trên giá sản phẩm, có ngân hàng liên kết cả với nhà mạng, hãng hàng không... tung khuyến mãi giảm giá, tặng dặm thưởng (để từ đó tặng vé máy bay) nhằm hút khách.
Để giảm nỗi lo đầu tiên của nhiều khách hàng khi chuyển qua thanh toán trực tuyến là phí phải trả, nhiều NH đã có khuyến mãi mạnh.
Như ACB vừa tung chương trình giảm 30-50% phí chuyển tiền cho khách hàng sử dụng dịch vụ online và miễn phí đăng ký dịch vụ, phí thường niên, phí thanh toán hóa đơn tự động...
Trong khi đó BIDV triển khai hoàn phí chuyển tiền một số nhóm khách hàng.
Thậm chí, Techcombank tung chương trình miễn phí mọi giao dịch ngân hàng điện tử cho khách hàng. Khách hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến của Techcombank cũng không cần đến quầy giao dịch mà có thể đăng ký online và được miễn phí thường niên.
Không chỉ dừng ở liên kết với siêu thị, nhiều ngân hàng đang mở rộng đối tượng liên kết để khuyến mãi, như trung tâm điện máy, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng... để mời gọi khách hàng dùng thẻ thanh toán, hoặc mua hàng trên mạng.
Nhiều ngân hàng cũng tăng ứng dụng công nghệ, như cho phép khách hàng rút tiền tại cây ATM bằng mã số nhận từ smartphone, không cần dùng thẻ như trước đây.
Theo bà Đặng Thị Lan Anh - giám đốc kinh doanh tiếp thị, khối tiếp thị Techcombank, với những khuyến mãi và các chương trình như liên kết với siêu thị điện máy mời khách mua trả góp với lãi suất 0%, giao dịch qua thẻ của khách hàng tại ngân hàng này đã tăng mạnh, trung bình đạt 14 - 15 giao dịch/tháng/khách hàng trong khi trước đây chỉ 3 - 4 giao dịch/tháng/khách hàng.
Buộc thanh toán qua ngân hàng giao dịch lớn
Về mặt xã hội, thạc sĩ Đỗ Gioan Hảo, giảng viên Trường Đại học Tài chính - Marketing, cho rằng một khi áp dụng thanh toán qua ngân hàng, tất cả dữ liệu đều lưu tại tổ chức thanh toán.
Khi đó sẽ giúp Nhà nước quản lý tốt hơn thu nhập của doanh nghiệp và dân cư, đồng nghĩa với ngân sách sẽ có thêm tiền.
Nhưng quan trọng hơn, một khi thu nhập được công khai sẽ giúp minh bạch hóa các giao dịch trong nền kinh tế vì nếu thực hiện thanh toán qua ngân hàng, bằng chứng về đường đi của dòng tiền sẽ được lưu lại, chỉ cần bấm nút sẽ ra hết.
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, trưởng khoa tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM, đồng tình ý kiến trên và cho rằng Nhà nước nên có các biện pháp hạn chế dùng tiền mặt theo lộ trình.
Chẳng hạn ban đầu cần quy định các giao dịch lớn như mua xe, mua nhà, mua bán chứng khoán, hoặc tài sản lớn phải thanh toán qua ngân hàng.
Sau đó cần dần hạ thấp mức quy định tối thiểu buộc phải thanh toán qua ngân hàng, trừ việc mua các đồ lặt vặt chi dùng hằng ngày.
Thạc sĩ Đỗ Gioan Hảo cho rằng lộ trình để hạn chế giao dịch thanh toán bằng tiền mặt cần có thời gian, nhưng cần có cơ chế khuyến khích các điểm chấp nhận thẻ, giảm hoặc miễn các loại chi phí phụ trội cho khách hàng khi giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó tạo lợi ích cho khách hàng và cộng đồng.
Ngân hàng cũng hưởng lợi
Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh thanh toán trực tuyến mang lại lợi ích cho nhiều phía. Khách hàng được khuyến mãi, thực hiện giao dịch nhanh chóng, giảm chi phí thời gian, hạn chế các rủi ro về tiền giả...
Ngân hàng cũng được lợi không nhỏ khi có tiềm năng phát triển khách hàng nhanh chóng, từ đó đẩy mạnh cung cấp sản phẩm dịch vụ bán chéo, bán thêm cho khách hàng.
"Việc này cũng giúp ngân hàng tiết kiệm các chi phí cơ sở vật chất, chi phí vận hành giao dịch tại quầy..." - bà Đặng Thị Lan Anh công nhận.