Hoạt động của doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn khi số DN thành lập trong 5 tháng đầu năm suy giảm trong khi số DN tạm ngừng hoạt động tăng lên (tăng 36,4% so với cùng kỳ). DN gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh đã làm hạn chế nhu cầu tín dụng và tạo thách thức trong tạo việc làm.
Các ngân hàng thận trọng
Ngân hàng là bên cung ứng vốn cho nền kinh tế. Khi các DN trong nền kinh tế gặp khó khăn, ngân hàng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, các ngân hàng tỏ ra thận trọng khi đề ra kế hoạch kinh doanh năm nay. Trong nhóm ngân hàng có tỉ lệ sở hữu nhà nước chi phối, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) hiện chưa công bố kế hoạch kinh doanh, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (CTG) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông nhưng không đưa ra mục tiêu lợi nhuận cụ thể, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lên kế hoạch kinh doanh năm nay từ đầu tháng 3, với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 12.500 tỉ đồng, bằng 116% thực hiện năm 2019. Tuy nhiên, kế hoạch của BIDV được đưa ra trước khi dịch Covid-19 lan rộng trên toàn quốc. Không rõ trong thời gian tới, ngân hàng này có dự định điều chỉnh các kế hoạch kinh doanh đã đưa ra hay không.
Các ngân hàng tư nhân có xu hướng đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2020 thay đổi khá khiêm tốn so với kết quả năm 2019, như Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (TCB) tăng 1%, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) giảm 1%, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tăng 1%. Một vài ngân hàng đưa ra kế hoạch lợi nhuận giảm khoảng 10% nếu nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn và phấn đấu bằng mức của năm 2019 nếu nền kinh tế phục hồi tốt, như Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Quân đội (MB).
MB chủ động tăng trích lập đề phòng cho những tình huống khó khăn và bất ngờ có thể xảy ra trong tương lai
Chia sẻ, hỗ trợ khách hàng vượt khó
Nhằm hỗ trợ nền kinh tế và các DN vượt qua khó khăn, từ cuối tháng 3-2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN, trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung nguồn lực nhằm giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện tại và các khoản cho vay mới. Ngoài việc nhu cầu của khách hàng giảm, việc các ngân hàng triển khai giải pháp hỗ trợ DN như cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí… có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh quý I/2020, trong đó lợi nhuận của VCB, CTG, BIDV, MB, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), Sacombank suy giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Đó là chưa kể, một bộ phận không nhỏ DN đang là khách hàng tốt của ngân hàng nay trở thành khách hàng có vấn đề, vì dịch Covid-19 khiến DN tạm thời không có khả năng trả nợ đúng hạn hoặc sức khỏe tài chính suy yếu. Những hệ lụy của dịch bệnh được nhận định sẽ phản ánh rõ hơn trong kết quả kinh doanh quý II của các ngân hàng.
Đối với MB, năm 2020 được xác định là năm bản lề quan trọng để ngân hàng này hoàn thành các mục tiêu chiến lược phát triển giai đoạn 2017 - 2021 với phương châm "củng cố nền tảng và chuyển dịch số, tăng trưởng toàn diện, hiệu quả và bền vững". Để đạt mục tiêu này, MB sẽ đẩy mạnh đầu tư và tập trung nguồn lực để tạo một sự tích lũy cho giai đoạn phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Trong tài liệu công bố thông tin, chuẩn bị cho tổ chức đại hội đồng cổ đông vào ngày 24-6, MB cho biết ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 ở mức 90% kết quả đạt được năm 2019, nhưng vẫn phấn đấu đạt bằng năm ngoái. Ngoài những nguyên nhân giảm lợi nhuận chung như các ngân hàng khác do tác động của dịch Covid-19 như nêu trên, lợi nhuận của MB giảm cũng do ngân hàng này thường thận trọng. MB chủ động tăng trích lập đề phòng cho những tình huống khó khăn và bất ngờ có thể xảy ra trong tương lai như dịch Covid-19…
Được biết, MB đang tập trung cho các dự án nền tảng cho việc triển khai các mô hình kinh doanh mới cũng như xây dựng tiền đề vững chắc cho việc chuyển đổi số. Hiệu quả bước đầu thể hiện qua kết quả kinh doanh năm 2019 với các chỉ tiêu nổi bật như quy mô user (tài khoản người dùng) của ngân hàng số đạt 12,7 triệu user (6,9 triệu user Viettel pay), tăng 54% so với năm 2018, tỉ trọng thu nhập kênh số chiếm 3,4% doanh thu toàn ngân hàng (tăng 79%). Sau 2 năm đầu tiên thực hiện chiến lược ngân hàng thuận tiện, MB đặt ra mục tiêu "dẫn đầu về ứng dụng số", để đủ sức phục vụ trên 10 triệu khách hàng đến năm 2021.
Mặc dù mức lợi nhuận đưa ra là khiêm tốn nhưng đại diện MB cho biết vẫn dự kiến mức chi trả cổ tức cho kết quả tài chính năm 2020 từ 11% - 15%.