Diễn biến giá vàng thế giới trong 1 tháng qua dựa trên giá vàng đóng cửa tại thị trường New York - Nguồn: Kitco.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu vừa qua, giá vàng COMEX giao tháng 12 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) đã chạm mức 1.790 USD/oz, cao nhất trong 6 tháng và tăng 12% kể từ giữa tháng 8.
Đợt tăng giá này của vàng xuất phát từ những kỳ vọng về gói nới lỏng định lượng QE3 từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Lực tăng được củng cố thêm sau khi FED chính thức tung QE3 vào ngày 13-9.
Tương tự như động thái của FED, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách mua vào trái phiếu trên thị trường tài chính để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nguồn cung tiền gia tăng khiến giới đầu tư vàng tin rằng, giá vàng sẽ được đẩy lên bởi nguy cơ lạm phát. Trong bối cảnh này, vàng đã liên tục tăng giá trong mấy tuần gần đây.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu vừa qua, giá vàng giao tháng 12 tại COMEX đạt mức 1.778 USD/oz, tăng 5,3 USD/oz trong tuần, đánh dấu tuần tăng thứ tư liên tục.
Trên trang tin chuyên kim loại quý Kitco News, ông Frank Lesh, nhà môi giới và phân tích của công ty FuturePath Trading, tin là giá vàng có thể rơi vào trạng thái điều chỉnh giảm trong ngắn hạn.
Ông Lesh nhận định, sự điều chỉnh giảm của giá vàng có thể xảy ra nếu đồng USD mạnh lên, hoặc đơn giản là giá vàng “hụt hơi” một khi các nhà đầu tư chốt lời, nhất là khi giá vàng đã ở quanh mốc 1.800 USD/oz.
Tuy nhiên, ông Lesh cũng nói rằng, tình hình nói chung vẫn đang hỗ trợ cho giá vàng, đồng thời nhấn mạnh thêm, không chỉ các ngân hàng trung ương đang nới lỏng chính sách tiền tệ, mà các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi vẫn đang tích cực mua vàng.
Trong số 21 người phản hồi trong cuộc thăm dò ý kiến dự báo giá vàng tuần tới do Kitco News tiến hành, có 15 người dự báo giá tăng, 4 người dự báo giá giảm và 2 người dự báo giá đi ngang.
Trên bình diện kỹ thuật, giá vàng cũng đang được hỗ trợ nhiều và thị trường có vẻ như đang muốn vàng phá mốc 1.800 USD/oz - theo ông Bob Haberkorn, nhà môi giới hàng hóa thuộc RJO Futures. Ông Haberkorn nhận định, một nguồn lực hỗ trợ tiềm tàng khác đối với giá vàng là khả năng Trung Quốc sẽ gia nhập hàng ngũ các nền kinh tế nới lỏng chính sách tiền tệ để đáp trả loạt dữ liệu thống kê yếu kém gần đây.
Ông Sean Lusk, nhà phân tích kim loại quý của Ironbeam cho rằng, giá vàng có thể sẽ tăng thêm, nhưng đồng thời cảnh báo về khả năng các nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận. “Cần nhớ rằng, chúng ta đang bước vào thời điểm cuối tháng và cuối quý”, ông Lusk nói. Ở những thời điểm như thế này, các quỹ có thể chốt lời để tổng kết lợi nhuận.
Ngoài hoạt động hiện thực hóa lợi nhuận, thì theo ông Lusk, các chương trình kích thích kinh tế tiếp tục là nguồn ảnh hưởng tích cực đối với giá vàng. Bên cạnh đó, thị trường sẽ tiếp tục theo dõi các diễn biến địa chính trị ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, cũng như cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.
Thứ Sáu vừa qua, báo chí đưa tin về việc Tây Ban Nha và Liên minh châu Âu (EU) đang bàn thảo về kế hoạch ECB sẽ mua nợ của Madrid.
Ông Darin Newsom, nhà phân tích cấp cao của Telvent DTN, dự báo giá vàng đi ngang trong tuần tới, thậm chí có khả năng sẽ giảm. Ông cho rằng, thị trường đã đạt tới mục tiêu mà trước đó ông xác định là ở vùng 1.780-1.800 USD/oz.
“Tôi cho rằng, giá vàng sẽ chịu ảnh hưởng từ sự mạnh lên của đồng USD. Đồng tiền này đã bắt đầu mạnh lên”, ông Newsom nói. Thứ Năm vừa qua, đồng Euro giảm về mức hơn 1,29 USD/Euro, từ mức gần 1,32 USD/Euro vào đầu tuần. Mặc dù vậy, vào thứ Sáu, đồng Euro đã phục hồi nhẹ lên mức gần 1,3 USD/Euro.
Tuần tới sẽ không có nhiều thông tin kinh tế quan trọng được công bố. Bởi vậy, các nhà đầu tư sẽ dành nhiều sự chú ý cho cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và các diễn biến ở khu vực Trung Đông.