Tại hội thảo "Kinh doanh bất động sản - Cơ hội và Thách thức trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu phục hồi” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức sáng 27-11, Thứ trưởng Nam cho biết thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi thông qua số lượng giao dịch thành công qua sàn. “Nói thị trường đang có dấu hiệu phục hồi là khá khiêm tốn mà thực tế thị trường đã và đang phục hồi rồi” - ông Nam khẳng định.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Trần Nam, trong tháng 11, Hà Nội có gần 10.000 giao dịch thành công, cao gấp đôi cùng kỳ năm 2013. Tại TP HCM có khoảng 8.800 giao dịch thành công, tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp khởi động lại dự án, khởi động bán hàng, các lễ khởi công, bàn giao nhà cũng diễn ra liên tục, sôi động. Thị trường chủ yếu tập trung ở các phân khúc căn hộ vừa và nhỏ phù hợp nhu cầu người dân.
Bên cạnh đó, mặc dù thị trường ghi nhận các giao dịch tăng mạnh nhưng giá bán cơ bản ổn định, không tăng, thậm chí có khu vực giảm, chỉ cá biệt những dự án vị trí đắc địa thì giá nhích lên chút đỉnh.
“Giá đã về đến mức phù hợp với sức mua của người dân và với thị trường nhưng sức mua vẫn còn yếu là do lương thấp chứ không phải giá nhà cao. Báo chí vẫn nói giá nhà cao nhưng tìm mãi không thấy Việt Nam nằm trong top 20 nước có giá nhà cao. Đất theo giá thị trường; xi măng, cửa khoá, đèn, kính… giá quốc tế mà nhà bảo phải bán theo lương thì bán làm sao được” - Thứ trưởng phân tích.
Xung quanh vấn đề tồn kho, Thứ trưởng Nam cũng cho biết tồn kho bất động sản đã giảm liên tục xuống còn 77.800 tỉ đồng, tức giảm được hơn 50.000 tỉ đồng (tương ứng 39%) so với năm 2013. Dòng tiền cũng đang đổ vào bất động sản với dư nợ tín dụng hết quý III là 293.000 tỉ đồng, vượt cả thời điểm cao nhất trước đây là 280.000 tỉ đồng, tăng gần 12% trong khi tăng trưởng tín dụng chung chỉ là 6%. Nếu tính cả đến các khoản vay mượn khác của người dân rồi sau đó đi vào bất động sản thì dòng tiền đổ vào thị trường này còn lớn hơn nữa.
Về giải pháp phục hồi thị trường bất động sản một cách bền vững, ổn định, không còn tình trạng sốt nóng, sốt lạnh, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng nhà nước cần phải có những chính sách phù hợp, doanh nghiệp phải hành động để hưởng ứng với Nhà nước, giới nghiên cứu phải có thông điệp hướng dẫn người mua có hành động đúng đắn, thị trường nhận thức được tầm quan trọng, tính chất đầu kéo nền kinh tế của bất động sản…