Với cấu trúc bảng cân đối an toàn, hiệu quả về tài sản và nguồn vốn, Eximbank có nhiều thuận lợi và chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh.
Củng cố nền tảng tài chính vững chắc
Hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh của Eximbank trong 9 tháng đầu năm 2022 đều có sự tăng trưởng hết sức ấn tượng. Cụ thể, tổng tài sản tăng 10,8%, huy động từ khách hàng tăng trưởng 5,7% (tổng huy động 145.261 tỉ đồng), dư nợ tín dụng tăng trưởng 10,3% (tổng dư nợ 127.522 tỉ đồng, trong đó không phát sinh cấp tín dụng là các trái phiếu doanh nghiệp). Lợi nhuận trước thuế đạt 3.181 tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu của Eximbank ghi nhận 1,86% (giảm so với mức 1,94% cuối năm 2021). Eximbank đã cải thiện đáng kể các chỉ số sinh lời như ROA, ROE so với năm 2021.
Với cấu trúc bảng cân đối an toàn, hiệu quả về tài sản và nguồn vốn, Eximbank có nhiều thuận lợi và chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh (Ảnh: Eximbank Sài Gòn)
Để đạt được kết quả lợi nhuận khả quan như vậy, bên cạnh thu nhập từ lãi vay, Eximbank đã đẩy mạnh tăng trưởng các dịch vụ thanh toán, hoạt động thu hồi nợ và cắt giảm mạnh chi phí hoạt động nhằm hỗ trợ lãi suất cho khách hàng. Nhờ vậy, Eximbank hiện là một trong những ngân hàng vẫn duy trì được nền tảng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp lâu đời luôn đồng hành cùng ngân hàng trong thời gian dài, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty xuất nhập khẩu hàng đầu tại Việt Nam.
Một trong những điểm nổi bật tại ngân hàng này là luôn chú trọng đến công tác an toàn hoạt động, duy trì tỉ lệ an toàn vốn vững chắc với hệ số CAR theo Thông tư 41 đạt 13,91% (theo quy định của NHNN hiện nay là tối thiểu là 8%), tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn đạt dưới 20% (quy định của NHNN là =< 34%) đảm bảo các tấm đệm thanh khoản an toàn rất cao trước các biến động của thị trường nếu có.
Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số
Bên cạnh việc nỗ lực đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh, Eximbank xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm được chỉ đạo thường xuyên và quyết liệt. "Ngân hàng số" tương lai sẽ trở thành mô hình bán, cung cấp dịch vụ chủ yếu, có tính dẫn dắt và định hướng chuyển đổi cả mô hình kinh doanh và vận hành, đặc biệt là trong việc thu hút khách hàng mới.
Theo đó, Eximbank xác định kế hoạch hiện đại hóa công nghệ ngân hàng theo 4 trụ cột chính được lồng ghép phù hợp với chiến lược kinh doanh từng thời kỳ, kế hoạch năm 2022 đến 2025 gồm: Số hóa Thông tin (Digitization) - chuyển đổi dữ liệu từ dạng vật lý sang kỹ thuật số; Số hóa Quy trình (Digitalization) - Tự động hóa quy trình hiện tại, giảm chi phí vận hành và tăng hiệu quả; Số hóa toàn diện (Digital Transformation); An toàn bảo mật (Security) - Đảm bảo an toàn, bảo mật cho hoạt động ngân hàng.
Chính vì vậy, ngày 1-10 vừa qua, Eximbank đã cho ra mắt ngân hàng số hợp kênh: Eximbank Edigi. Ứng dụng hợp nhất các nền tảng giao dịch riêng rẽ trên Internet Banking và Mobile Banking, giúp hành trình giao dịch xuyên suốt và đồng nhất với "kho tàng" tiện ích đa dạng. Đây có thể xem là một bước tiến mới của Eximbank để tiếp tục phục vụ được mọi nhu cầu của khách hàng trong "tệp" truyền thống rất "chung thủy" với ngân hàng, đồng thời mở rộng thêm thị phần và đón các đối tượng khách mới, các thế hệ với nhu cầu sản phẩm, dịch vu tài chính số vừa phải tiện ích, vừa cá nhân hóa và chuyên biệt.
Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho Eximbank tăng vốn điều lệ. Mức vốn điều lệ được chấp nhận tăng thêm tối đa 2.459 tỉ đồng, từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông Eximbank thông qua vào đầu năm 2022.